(ĐNĐT) - Trong hai ngày 27 và 28-9, hơn 150 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế đã tham dự Hội nghị bàn tròn quốc gia lần thứ 6 về sản xuất và tiêu dùng do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND thành phố tổ chức tại Đà Nẵng.
Quang cảnh hội nghị |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, sau 10 năm triển khai định hướng chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Từ vị trí nhóm nước nghèo đã chuyển sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và cải thiện. Song, tăng trưởng kinh tế còn dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên, mức độ chế biến thấp, hiệu quả kinh tế - xã hội còn thấp; ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng; đa dạng sinh học suy giảm nhanh, nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng; tác động của biến đổi khi hậu có xu hướng gia tăng.
Những năm qua, Việt Nam triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu thụ bền vững, như: ký kết Tuyên ngôn quốc tế về Sản xuất sạch hơn vào năm 1999, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Sản xuất sạch hơn năm 2002, ban hành các chiến lược, quy định về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp... Hoạt động sản xuất sạch hơn được triển khai tại 60 tỉnh/thành phố và nhiều ngành, trong đó hiệu quả nhất là ngành công nghiệp. Các hoạt động nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững cũng bắt đầu được triển khai với sự hỗ trợ hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế như UNEP, UNIDO, DANIDA, EU...
Đối với Đà Nẵng, một trong những đô thị bền vững của ASEAN, chính quyền thành phố đã nỗ lực hướng tới xây dựng mô hình mẫu phát triển bền vững của cả nước. Tại hội nghị, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng phát biểu: Mục tiêu đến năm 2020, các tiêu chí về chất lượng môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí được đảm bảo, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, nhà đầu tư, du khách khi đến Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả người dân, các tổ chức, cá nhân đến làm ăn và sinh sống tại Đà Nẵng về công tác bảo vệ môi trường. Đến năm 2015, thành phố phấn đấu đạt 90% chất lượng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý, 50% chất thải thu gom được tái chế… Cùng với đó là phát triển diện tích không gian xanh đô thị, kiểm soát ô nhiễm không khí, bảo tồn đa dạng sinh học. Đến năm 2020, đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường như: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh cần có sự triển khai mạnh mẽ, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và địa phương; đặc biệt là cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, hội nghị tập trung thảo luận 3 nội dung cơ bản, như: Các công cụ, giải pháp sản xuất và tiêu thụ bền vững; Xanh hóa nền sản xuất và Thúc đẩy tiêu thụ bền vững. Qua đó, tìm ra các ý tưởng, giải pháp phù hợp nhằm triển khai có hiệu quả và thiết thực hơn trong các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của các chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường…
Tin và ảnh: Duyên Anh