.

Thu tiền sử dụng đất: Tín hiệu khả quan

.

Sau 16 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có gần 100.000 hộ dân giải tỏa, di dời để triển khai các dự án quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Việc di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư được lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt nhằm mục đích an cư lạc nghiệp; trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ người dân về trả nợ tiền sử dụng đất.

Đà Nẵng đã đạt kết quả tốt trong việc quy hoạch, bố trí tái định cư. Trong ảnh: Một góc thành phố hôm nay
Đà Nẵng đã đạt kết quả tốt trong việc quy hoạch, bố trí tái định cư. Trong ảnh: Một góc thành phố hôm nay

Cần hiểu đúng về số tiền nợ

Lâu nay, theo cách gọi thông dụng, số tiền sử dụng đất ghi thu nhưng chưa thu đều gọi là nợ, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Chính vì vậy, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều về số nợ cũng như số lượng người dân còn nợ tiền sử dụng đất của thành phố. Tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn. Sau khi thành phố có chủ trương miễn, giảm lãi suất tiền nợ sử dụng đất tái định cư, một số hộ gia đình đã triển khai việc nộp dứt điểm khoản nợ này... Bên cạnh đó, do còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, không ít hộ dân chưa thể nộp dứt điểm số tiền này. Tuy nhiên, do cách hiểu chưa thống nhất nên tất cả các khoản chưa nộp này đều được quy vào nợ tiền thuế, nhưng trên thực tế không phải như vậy.

Đối với hộ gia đình, cá nhân được UBND thành phố bố trí đất, giao đất ở tái định cư chưa có khả năng tài chính để nộp tiền sử dụng đất có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi “nợ tiền sử dụng đất”. Như vậy, “nợ” ở đây được hiểu là khoản được phép chậm thanh toán và là khoản thu trong tương lai. Tính đến ngày 15-8-2013, có 11.752 hộ được UBND thành phố bố trí đất ở tái định cư với số tiền sử dụng đất được ghi “nợ” vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Hầu hết số hộ nằm trong diện được “nợ” tiền sử dụng đất 5 năm (đến nay chưa hết thời hạn phải trả) theo chính sách chế độ quy định đối với các hộ tái định cư. Nên điều này gây nhầm lẫn ở một số người cứ nghĩ đây là số nợ tiền sử dụng đất của năm 2013.

Bên cạnh đó, đến ngày 15-8-2013, trên toàn địa bàn thành phố phát sinh khoảng 76 dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân; trong đó có 52 dự án đã có mặt bằng và giao đất thực tế cho các nhà đầu tư với số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) vào khoảng 1.189 tỷ đồng nhưng chưa trả tiền; tuy nhiên không thể gọi những doanh nghiệp này nợ tiền sử dụng đất do số tiền phải nộp được phân chia theo các thời hạn khác nhau, như nợ quá hạn đến nay là 487 tỷ đồng, số nợ còn phải nộp đến cuối năm 2013 là 410 tỷ đồng và số còn lại nộp sau 31-12-2013 là 291 tỷ đồng. Do đó, tổng số nợ tiền sử dụng đất của năm 2013 không phải là 4.000 tỷ đồng.

Kết quả khả quan trong công tác thu

Báo cáo của Cục Thuế cho thấy, đến ngày 20-8, toàn ngành đã thu được 1.113,2 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 61,8% dự toán năm và bằng 139% so cùng kỳ. Đây là mức tăng thu khá cao khi tình hình kinh tế còn nhiều trì trệ, nhất là thị trường bất động sản luôn trầm lắng trong thời gian dài vừa qua.

Năm 2013 được dự báo là năm tiếp tục khó khăn đối với việc thu ngân sách của thành phố, trong đó có thu tiền sử dụng đất. Do vậy, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã tích cực chủ động, tham mưu cho UBND thành phố nhiều biện pháp chỉ đạo để đôn đốc, thu nộp kịp thời tiền sử dụng đất vào NSNN, trong đó có việc thành lập các tổ thu hồi nợ đọng, cũng như việc tham mưu HĐND ban hành Quyết định giảm lãi suất tiền sử dụng đất nên kết quả thu tiền sử dụng đất khả quan hơn nhiều so với năm trước. Theo lãnh đạo Cục Thuế, bên cạnh việc đôn đốc thu nộp, đơn vị đã tập trung phân loại tiền sử dụng đất phát sinh, xác định chính xác số nợ theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo thu. Việc rà soát, phân loại nguồn thu tiền sử dụng đất, xác định chính xác số phải thu, số nợ là công việc quan trọng để có những biện pháp cụ thể, thiết thực tham mưu UBND thành phố trong chỉ đạo, điều hành công tác thu tiền sử dụng đất tại địa phương.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.