.

Khai thác đất sét trái phép ở Hòa Phú

.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), một số đối tượng lợi dụng sự nhập nhằng trong quản lý tài nguyên khoáng sản của cơ quan chức năng đã mua lại ruộng của nông dân để khai thác đất sét trái phép.

Khu vực Bàu Tong nham nhở hố đang được “cải tạo” lại thành ao hồ nuôi cá.
Khu vực Bàu Tong nham nhở hố đang được “cải tạo” lại thành ao hồ nuôi cá.

Ngày 9-8 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang có Văn bản số 959 chỉ đạo ngăn chặn và chấm dứt mọi hoạt động “hạ thấp cao trình” tại khu vực Bàu Tong. Ngày 12-8, UBND huyện quyết định xử phạt 2 đối tượng khai thác đất không có giấy phép trên địa bàn thôn An Châu (xã Hòa Phú) với số tiền 25 triệu đồng.

Ngày 30-8, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Mặc dù vậy, cuối tháng 8-2013, khi đến tìm hiểu tình hình tại thôn An Châu, gặp chúng tôi, một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, hỏi một cách dè dặt: “Mua đất hả? Loại nào cũng có, giá từ 70.000-80.000 đồng/khối, kể cả Bàu Tong hay Hòa Phước”. Thực tế này phản ánh rõ công tác quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn nhiều lỏng lẻo.

Quyết định số 470 ngày 5-3-2013 của UBND huyện Hòa Vang cho biết, khu vực Bàu Tong, thôn An Châu được quy hoạch theo đề án thực hiện thí điểm về “dồn điền đổi thửa” xây dựng vùng sản xuất chuyên canh trên địa bàn huyện thành khu nuôi trồng thủy sản, với diện tích lên đến 10ha. Từ đó, UBND huyện đề xuất cho 3 đơn vị tiến hành thăm dò khai thác đất sét, gồm Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng, Công ty CP Nam Hải Vân và Công ty CP Xây dựng Tân Đại Phát.

Trước đó, năm 2007, Công ty TNHH Minh Tân đã được UBND thành phố cấp phép khai thác diện tích 9,2ha thời hạn đến tháng 8-2010. Năm 2012, công ty này tiếp tục được cấp phép khai thác thêm diện tích 4ha, thời hạn đến tháng 6-2014. Trong Đề án “dồn điền đổi thửa” của huyện Hòa Vang thực hiện tại khu vực Bàu Tong cho phép 4 nhóm hộ hạ thấp cao trình, trong đó có 2 nhóm hộ cho tận dụng đất dư thừa trong quá trình cải tạo để cung cấp nguyên liệu cho các lò gạch tuy-nen tại địa phương. Chính điều này tạo ra sự nhập nhằng trong quản lý, tạo cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng chủ trương để tiến hành mua đất của nông dân nhằm khai thác đất sét trái phép, gây ra cảnh tượng nham nhở, hoang tàn trên khu vực Bàu Tong thôn An Châu và thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú.

Cánh đồng lúa màu mỡ đang nằm trong tầm ngắm của 3 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khai thác đất sét.
Cánh đồng lúa màu mỡ đang nằm trong tầm ngắm của 3 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khai thác đất sét.

Báo cáo số 215 của huyện Hòa Vang ghi rằng: “Xứ đồng Bàu Tong, thôn An Châu, xã Hòa Phú phần lớn là đất lúa sản xuất kém hiệu quả do không chủ động được nước nên đa số người dân bỏ hoang, không khai thác hết hiệu quả của đất”. Trong khi hình thức nuôi trồng thủy sản (cá) thì nguồn nước thường xuyên và sạch là điều kiện không thể thiếu. Cách làm này rất thiếu sức thuyết phục và mâu thuẫn trong cách lý giải, dẫn đến những hoài nghi về chủ trương của huyện Hòa Vang.

Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết tình trạng bán đất ruộng ở cánh đồng Bàu Tong xảy ra đã lâu. Trước đây có một số hộ dân ở Hòa Phong đến và một số hộ dân ở Hòa Phú làm lò gạch thủ công, họ mua (tự phát) đất ruộng của một số hộ dân để làm gạch. Sau đó, Công ty Minh Tân vào khai thác theo giấy phép của UBND thành phố cấp. Việc quản lý lỏng lẻo về tình trạng khai thác đất bừa bãi như trên, theo ông Vân, do một phần “trải qua nhiều năm, nhiều thời kỳ lãnh đạo địa phương” nên thiếu tính chặt chẽ, đồng bộ trong quản lý. Hiện nay, khu vực này đã cải tạo được 5.000m2 ao hồ nuôi cá và 2.500m2 còn dang dở do gặp thời tiết xấu.

Đối với khu vực thôn Hòa Phước, do người dân bỏ hoang lâu năm, nên sau khi một số công ty vào mua, khai thác đất sét, người dân tự ý bán đất nhằm hạ thấp cao trình để có nước thuận lợi sản xuất lúa. Song, theo quan điểm của UBND xã Hòa Phú, chính quyền địa phương đang kiến nghị cho chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, vì trồng lúa không hợp lý. Ông Vân cho biết thêm, hiện tại để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND xã đã cắm biển cấm người dân không phận sự vào khu vực ao hồ đang thi công dở, đồng thời cử ban đại diện thôn theo dõi tránh người dân vào khu vực cấm xảy ra chuyện ngoài ý muốn.

Giá trị từ hoạt động khai thác đất sét đến nay - UBND huyện thu được bao nhiêu? Người dân được hưởng lợi gì từ cách làm này? Và mục đích chuyển đổi sản xuất nhằm “thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện” ở cánh đồng Bàu Tong có thực tế hay không? Tình trạng khai thác đất sét trái phép bao giờ chấm dứt? Tất cả những điều này xem ra vẫn là những câu hỏi mà UBND huyện Hòa Vang cần trả lời rõ ràng cho dư luận và nhân dân.

Bài và ảnh: MINH SƠN

;
.
.
.
.
.