Việc lệch pha giữa tải trọng cầu, đường và xe đang gây rắc rối cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đặc biệt là sự xuống cấp của hạ tầng giao thông. Thế nhưng, tồn tại này đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thông tin về tải trọng cầu Đỏ được viết rất nhỏ trên bảng thông tin chung về cầu như thế này thì làm sao tài xế đọc được? |
Lệch pha tải trọng cầu-đường-xe
Trục đường Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn là một trong những tuyến đường hoạt động chính của xe tải, nhất là xe container. Đặc biệt, đây là trục đường quan trọng của đoạn cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, vì vậy toàn bộ tuyến đường này được thiết kế với tải trọng 25 tấn. Và đây cũng là một trong những tuyến đường có tải trọng thuộc diện lớn nhất thành phố hiện nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hàng container đều cho rằng, tải trọng này là quá thấp so với thực tế, bởi đây là tuyến đường nối với cảng Đà Nẵng.
Theo thông lệ quốc tế, hàng hóa container hiện nay phổ biến nhất vẫn là container loại 40 feet - tương đương 38 tấn. Chính sự “lệch pha” giữa tải trọng đường và tải trọng xe đặt doanh nghiệp vào tình thế rất khó xử. Vì, nếu chở hàng container loại 40 feet thì cũng có nghĩa vượt tải trọng đường, và như vậy cũng có nghĩa là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thế nhưng, doanh nghiệp vận tải thì cần phải có hàng để chở và cũng không được phép hạ tải hàng trong thùng container, vì vậy chủ yếu vẫn là... nhắm mắt chở liều. Về tồn tại này, ông L.Đ.B, giám đốc một doanh nghiệp vận tải cho biết: Đây là điều rất khó cho các doanh nghiệp vận tải vì bị “kẹp” giữa tải trọng đường và tải trọng của hàng hóa container.
Giải pháp chủ yếu hiện nay là chấp nhận Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi quá tải để được hoạt động tiếp! Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cũng cho biết, đã nhiều lần đề nghị với các cơ quan chức năng có hướng giải quyết, vì với một cảng container thì không thể có việc yêu cầu khách hàng của mình chỉ sử dụng container loại 20 feet... để phù hợp với tải trọng đường của thành phố. Tuy nhiên, lần nào cơ quan chức năng cũng chỉ “ghi nhận” chứ chưa thể giải quyết được.
Trong khi đó, đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường chủ yếu phục vụ dân sinh và du lịch thì lại được “hào phóng” thiết kế với tải trọng 30 tấn. Điều khó hiểu là, đầu tuyến đường này giáp với đường Ngô Quyền có tải trọng 25 tấn và đoạn cuối tiếp giáp với đường Hoàng Sa có tải trọng 13 tấn. Vì vậy, nhiều người nói vui rằng, nếu một xe chở đúng tải trọng trên đường Phạm Văn Đồng, thì cũng chỉ đi loanh quanh trong con đường này chứ không thể ra khỏi đường này vì như vậy sẽ vi phạm lỗi phương tiện chở quá tải trọng đường. Đặc biệt, trên các đường 2 Tháng 9, Xô Viết Nghệ Tĩnh dẫn vào cầu Tiên Sơn; đường Cách mạng Tháng Tám-cầu vượt Hòa Cầm-đường Trường Sơn lại không hề công bố tải trọng cả cầu lẫn đường. Điều này khiến cho nhiều tài xế từ nơi khác đi vào các tuyến đường này lúng túng vì lo sợ mắc lỗi quá tải. Thêm ví dụ về sự lệch pha này là đường Ông Ích Đường được thiết kế với tải trọng 30 tấn, nhưng con đường này nối với cầu Cẩm Lệ, trong lúc cầu này chỉ thiết kế với tải trọng 13 tấn.
“Giấu” biển tải trọng
Bên cạnh sự lệch pha về tải trọng cầu-đường-xe, việc cắm biển tải trọng đường không phù hợp cũng gây khó khăn cho các tài xế vận tải. Trên suốt tuyến đường Yết Kiêu-Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn đều có chung thiết kế là ngoài 2 làn đường chính, ở hai bên đường còn có thêm 2 đường gom. Thế nhưng, không hiểu tại sao các biển ghi tải trọng đường này không được cắm ngay trên dải phân cách giữa đường chính và đường gom để tài xế dễ nhìn thấy mà lại cắm trên vỉa hè của đường gom.
Đó là chưa kể tình trạng khá nhiều biển tải trọng đường này bị cây xanh và biển hiệu che khuất. Cá biệt như cầu Đỏ trên quốc lộ 1A, biển tải trọng cầu không cắm như quy định lại ghi trên một tấm biển thông tin chung của cầu. Với cỡ chữ lớn hơn một hộp diêm và lại nằm sát mặt cầu, vì thế không một tài xế nào đọc được khi cho xe tải chạy qua đây. Một tồn tại nữa là các biển về tải trọng đường chủ yếu được cắm ở đầu đường, mà rất thiếu các biển nhắc lại ở những vị trí giao nhau với các đường khác.
Bao giờ thì việc lệch pha này được giải quyết để hoạt động vận tải thuận lợi, không vi phạm về lỗi tải trọng đường?
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN