.

Kích cầu du lịch mùa thấp điểm: Còn nhiều bất cập

.

Cụm từ “ngồi chơi xơi nước” dường như đã trở nên quen thuộc đối với các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng trong những tháng mùa mưa. Không chỉ các nhà hàng, khách sạn ven biển chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết mà ngay cả khu vực trung tâm thành phố, nhiều doanh nghiệp loay hoay với bài toán “không có khách”.

Ông Trần Văn Ninh, Giám đốc Khách sạn Phương Đông, cho biết: “Hiện nay, công suất phòng của khách sạn chỉ đạt 50%, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp chỉ mong đến tháng 12, thị trường khách quốc tế và khách MICE vào mùa sẽ có dấu hiệu khả quan hơn”.

Đà Nẵng là điểm du lịch hấp dẫn nhưng đến mùa mưa vẫn phải đối mặt với tình trạng thưa vắng khách. Ảnh: Thành Lân
Đà Nẵng là điểm du lịch hấp dẫn nhưng đến mùa mưa vẫn phải đối mặt với tình trạng thưa vắng khách.         Ảnh: Thành Lân

Để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng trong mùa thấp điểm, cuối tháng 7 vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đưa ra chương trình kích cầu giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trong những tháng mùa mưa. Nhiều nhà hàng, khách sạn đưa chương trình giảm giá sâu đến 50%, các khu, điểm du lịch giảm giá vé 25 - 50% nhưng xem ra vẫn không cứu vãn được thị trường khách du lịch ngày càng giảm sút. Nhiều công ty lữ hành cho biết, thị trường khách nội địa từ tháng 9 trở đi bắt đầu giảm mạnh 70 - 80% so với mùa nắng; thời gian lưu trú của du khách rút ngắn khiến thị trường mua sắm, ăn uống cũng bị chững lại.

Chương trình kích cầu du lịch mùa thấp điểm chủ yếu hướng đến thị trường khách nội địa tiềm năng từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như du khách quốc tế đến từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên thực tế cho thấy, du khách quốc tế vẫn chưa thực sự hưởng lợi từ gói kích cầu này. Lý giải điều này, nhiều công ty lữ hành cho biết, chương trình kích cầu đưa ra thời điểm khá trễ trong khi khách quốc tế thường có kế hoạch đi du lịch từ 6 tháng đến 1 năm về trước.  

Trong khi đó, khách nội địa lại không mặn mà với chương trình giảm giá hấp dẫn này vì Đà Nẵng vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng cho mùa mưa. Trong lúc nhiều địa phương như Hội An, Huế khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch từ “mưa bão” thì Đà Nẵng vẫn loay hoay tìm các sản phẩm mới. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Các sản phẩm du lịch mùa mưa ở Đà Nẵng vẫn còn mờ nhạt, thiếu tính độc đáo và sáng tạo. Vì vậy dù cung đã kích nhưng cầu vẫn chưa động”.

Thiếu liên kết

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, chương trình kích cầu du lịch mùa thấp điểm năm nay thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia, được xem là cơ hội để các doanh nghiệp liên kết với nhau vượt qua khó khăn. Thế nhưng, nhiều công ty lữ hành cho biết, sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương còn khá rời rạc, chủ yếu là liên kết với các doanh nghiệp ở hai đầu đất nước để bán tour. Vì vậy, giá khuyến mãi vẫn chưa được thống nhất cụ thể và còn mang tính thời vụ, mùa cao điểm thì “hét” giá còn thấp điểm thi nhau bán phá giá. Anh Trịnh Hoài Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh, Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng cho biết: “Sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương còn yếu nên khó xây dựng được gói sản phẩm khuyến mãi tốt và mang tính ổn định. Nếu không bảo đảm tính lâu dài cho chương trình khuyến mãi thì khó có thể thu hút khách du lịch”.

Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, chính sách kích cầu chỉ mang tính chất giải pháp tình thế là chính chứ chưa thực sự mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp. Mặc dù nhiều hãng hàng không tham gia chương trình kích cầu đã giảm giá rất sâu nhưng thường kèm theo các điều kiện khá ngặt nghèo, những đường bay thu hút nhiều khách du lịch thì khó đặt vé kích cầu, vì thế bản thân các đơn vị lữ hành đã phải tìm những giải pháp riêng cho mình.

Rõ ràng, để kích cầu du lịch lâu dài, giảm giá thôi vẫn chưa thu hút khách nếu ngành du lịch Đà Nẵng vẫn còn nhiều cái “thiếu” như hiện nay.

 MAI KHÔI
 

;
.
.
.
.
.