.

Kinh doanh qua mạng: Thất thu thuế

.

(ĐNĐT) - Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng, hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển và trở thành địa chỉ mua sắm mới của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù hình thức kinh doanh này "nở rộ" nhưng Nhà nước lại không thu được "một đồng tiền thuế" nào từ hoạt động này.

"Muôn vạn" quần áo thời trang được quảng cáo trên facebook.

Nở rộ “shop online”

Hình thức kinh doanh qua mạng đang ngày càng phổ biến trên địa bàn Đà Nẵng. Loại hình kinh doanh này có nhiều mặt thuận lợi khi người bán chỉ cần một máy tính có kết nối internet là có thể ngồi mọi nơi, mọi lúc để bán hàng, không tốn tiền mặt bằng, không chi phí quảng cáo, không thuế, chỉ cần thông tin sản phẩm cùng với địa chỉ liên lạc thì có thể "ung dung" chào bán sản phẩm.

Hiện nay, trang web bán hàng thuận tiện nhất là thông qua mạng xã hội facebook - trang cá nhân của người bán. Dạo một vòng quanh các địa chỉ facebook và thử kết bạn với những địa chỉ này, chúng tôi được chấp nhận ngay vì với những người bán hàng này, càng nhiều bạn bè càng khiến sản phẩm của họ được quảng cáo rộng rãi hơn.

Những sản phẩm được bán phổ biến trên mạng là quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm... Rất nhiều tài khoản facebook cá nhân quảng cáo rầm rộ các loại quần áo xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... với mẫu mã bắt mắt, những lời mời chào hấp dẫn để thu hút người mua. Tất cả các "ông/bà chủ" đều “yêu” gian hàng “ảo” của mình và không có ý định mở cửa hàng. P. Mai (học sinh Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, đang kinh doanh online), chia sẻ: “Ban đầu khi có ý định kinh doanh quần áo, mình chỉ định dùng facebook để quảng cáo trước, khi có nguồn khách ổn định rồi sẽ mở cửa hàng nhưng bán online một thời gian, thấy tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: tiền thuê mặt bằng, nhân viên, thuế… nên mình không còn ý định tìm mặt bằng nữa”.

Cũng như P. Mai, các facebook của những người bán hàng online tiết lộ, việc không mở cửa hàng đã giảm được nhiều khâu như làm giấy phép kinh doanh, tìm mặt bằng, đặc biệt là không bị cơ quan thuế "sờ gáy" nên tất nhiên lãi sẽ cao hơn.

Quả thực, hình thức kinh doanh online này tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ so kinh doanh mặt hàng cùng loại mà mở cửa hàng. Chị N.Thắm (mở cửa hàng quần áo thời trang trên đường Nguyễn Văn Thoại) cho biết: “Hằng tháng, ngoài chi phí thuê mặt bằng (7 triệu đồng), tôi còn phải trả những chi phí như thuế (400.000 đồng); nhân viên (1 người/ca là 800.000 đồng); điện, nước (300.000 đồng)… Tổng cộng mỗi tháng chi phí cho tất cả các khoản là hơn 10 triệu đồng”. Như vậy, nếu kinh doanh online, lợi nhuận mà những người bán online kiếm được không hề nhỏ, trong khi cơ quan Thuế không thể nào kiểm soát để thu "một giọt tiền thuế" nào từ hình thức kinh doanh có thể gọi là "siêu lời" này.

Cơ quan thuế nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Tự Cư, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Hải Châu (Đà Nẵng), thừa nhận đến nay, cơ quan này chưa quản lý được nguồn thuế bán hàng qua mạng. Thời gian qua, Chi cục Thuế quận Hải Châu cũng đã biết được hoạt động này trên địa bàn và chủ động cho khảo sát, nắm tình hình để có biện pháp quản lý thu thuế nhưng chưa hiệu quả.

Giải thích về vấn đề này, ông Cư cho hay, theo Điều 21 - Luật Quản lý thuế, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và kê khai nộp thuế. Nhưng trên thực tế, ở Đà Nẵng, hầu như chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế cho các đối tượng này. Bởi lẽ, đa số các trường hợp bán hàng qua mạng đều giao dịch trên các địa chỉ online. Tại địa chỉ giao dịch thông báo trên mạng thì không có hoạt động kinh doanh, không có bảng hiệu và hàng hóa. Các đối tượng mua - bán đều mở "gian hàng ảo" mà không có địa chỉ thực tế. Trong khi đó, quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải có địa điểm giao dịch, có vốn kinh doanh...

Bên cạnh đó, một vị cán bộ của Cục Thuế Đà Nẵng cho biết thêm, việc quản lý thuế lâu nay được chia theo địa bàn, theo lĩnh vực nên khi xã hội phát sinh loại hình kinh doanh mới thì hiện Đà Nẵng chưa có cách quản lý.

Nhẩm tính so sánh giữa bán hàng online với các cửa hàng kinh doanh có đăng ký hẳn hoi, có thể thấy rõ mức độ chênh lệch về lợi nhuận rất cao. Trong khi một bên phải gồng mình kiếm tiền để bù vào phí nhân công, thuế, mặt bằng... thì ngược lại, những người bán hàng online không tổn hao nhiều chi phí cho các khoản này, lợi nhuận vì thế cũng nhiều hơn. Thế nhưng, với hình thức kinh doanh online, Nhà nước không "nắm được kẻ có tóc", do đó, thất thu một khoản không nhỏ tiền thuế.

Trong khi đó, việc quản lý những đối tượng kinh doanh theo hình thức này quả không dễ. “Đây là hoạt động kinh doanh không mới nhưng có những đặc thù riêng. Muốn quản lý được đối tượng này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, đồng thời phải có những quy định mang tính bắt buộc và những chế tài nghiêm khắc để đưa hoạt động kinh doanh online này vào nề nếp, khi đó mới có thể thu thuế đồng bộ, tạo sự công bằng cho người nộp thuế”, ông Cư cho biết.

Phương án giải quyết thì chung chung là vậy và dường như, cơ quan chức năng đang "bất lực" và "thả tay" với hình thức kinh doanh online này. Dù gì thì trước mắt, người bán được lợi, người mua cũng "hưởng phần" vì giá cả sẽ rẻ hơn nhưng về góc độ quản lý Nhà nước, một khoản tiền thuế lớn đã "chảy" trôi qua tay cơ quan Thuế, thất thu là điều chắc chắn.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.