(ĐNĐT) - Ứng phó với bão, các ban, ngành, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân Đà Nẵng gấp rút chuẩn bị hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết. Ghi nhận hoạt động mua bán tại các chợ vào sáng 14-10 cho thấy, nguồn hàng về nhìn chung dồi dào nhưng giá cả vẫn tăng cao ngùn ngụt.
Tại chợ Hàn, giá nhiều loại thực phẩm, rau củ tăng mạnh so với vài ngày trước như: ớt trái từ 20.000 đồng tăng lên 40.000 đồng/kg, hành lá 13.000 đồng tăng lên 26.000 đồng/kg, thịt nạc heo 100.000 đồng/kg, cá phèn từ 40.000 đồng tăng lên 50.000 đồng/kg, cải xanh 4.000 đồng lên 7.000 đồng/bó, mồng tơi 7.000 đồng/kg, khổ qua từ 10.000 tăng lên 20.000 đồng/kg, bí đao từ 8.000 đồng tăng lên 13.000 đồng/kg…
Rau xanh đắt đỏ những ngày mưa bão |
Sức mua thực phẩm tăng đáng kể do người dân có tâm lý trữ đồ ăn, thức uống trong thời điểm bão. Những mặt hàng khô như mì ăn liền, nước đóng chai, thịt cá hộp, sữa được nhiều người dân lựa chọn. Các cửa hàng gạo cũng đông đúc người ra vào. Lợi dụng tình hình đó, một số điểm bán lẻ hàng hóa tự ý nâng giá với lý do hàng về ít, buộc người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn ngày thường.
Từ trưa ngày 14-10, nhiều chợ lớn trên địa bàn như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Hòa Khánh đã đóng cửa một số khu vực thuộc các ngành hàng vải, áo quần, giày dép, mùng mền… Đến giữa chiều, các quầy hàng rau xanh, cá thịt hầu như đã dọn dẹp và đóng hàng, những điểm bán lẻ ở khu vực dân cư như khu công nghiệp Hòa Khánh không còn nhiều hàng để bán cho công nhân, sinh viên. Ông Đặng Quang Hưng, Phó Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho biết: Khoảng 2 giờ chiều, tiểu thương Khu A chợ Hòa Khánh đã ra về hết, vì thế để đảm bảo tài sản cho các hộ kinh doanh, Ban quản lý đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ, neo chằng hàng hóa cẩn thẩn cho đến khi tiểu thương kinh doanh trở lại.
Trong khi các chợ đóng cửa sớm thì các siêu thị vẫn hoạt động bình thường. Bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart khẳng định: Các mặt hàng thiết yếu như mỳ ăn liền, dầu ăn, gạo, nước uống, rau quả Đà Lạt đảm bảo không đứt hàng, nguồn hàng cung ứng đủ. Chỉ riêng mặt hàng rau lá, rau thơm còn phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Sau bão lũ, siêu thị sẽ có giảm giá đặc biệt một số sản phẩm thiết yếu, phù hợp với người tiêu dùng, phối hợp với nhà cung cấp thực hiện giảm giá lên đến 50% đối với hơn 100 mặt hàng thiết yếu ở cả 5 ngành hàng. Phía Siêu thị BigC cũng đã lên kế hoạch phòng chống bão cũng như chuẩn bị dự trữ đầy đủ hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, gạo, nước uống, thực phẩm khô như mì ăn liền, đồ hộp, thực phẩm đông lạnh, cùng các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm… Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 5 cho hay, đơn vị đã chuẩn bị 7,7 triệu lít xăng, 6,7 triệu lít dầu diezen, 60.000 lít dầu hỏa phục vụ mùa mưa bão. 26 cửa hàng xăng dầu thuộc công ty sẽ mở cửa hằng ngày, trừ khi bão đổ bộ khẩn cấp phải cắt điện mới tạm ngưng.
Sở Công thương, cơ quan được UBND thành phố giao trách nhiệm làm việc với đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn dự trữ hàng hóa mùa mưa bão cho biết: Hiện tại, lượng hàng dự trữ của 8 đơn vị dự trữ hàng hóa gồm: Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (350 tấn gạo các loại), Chi nhánh Công ty Vissan Đà Nẵng (345 tấn lương thực, thực phẩm), HTX An Hải Đông (200 thùng mì ăn liền, 8 tấn gạo và thực phẩm), Công ty TNHH Đà Nẵng Mễ Cốc (1.500 thùng mì ăn liền, 5 tấn lương thực - thực phẩm khác), gạo trắng Nam Bộ (1.000 tấn), mì ăn liền (500 gói) và 50.000 chai nước uống đóng chai 1,5 lít… sẽ xuất ra khi có chỉ đạo của thành phố. Riêng các quận, huyện sẽ phân cấp việc chuẩn bị lương thực thực phẩm tại địa bàn theo kế hoạch hợp đồng tại chỗ với các đại lý, cửa hàng.
Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhằm tránh tình trạng lợi dụng bão lũ, tư thương đầu cơ tăng giá hàng hóa, Sở đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nếu người dân phát hiện tăng giá bất hợp lý hãy báo qua số điện thoại 0913.414909 để xử lý.
Tin, ảnh: Xuân Duyên