.

Nợ đọng xây dựng cơ bản tới hơn 91.000 tỷ đồng

.
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố con số nợ đọng xây dựng cơ bản của trên cả nước đã lên tới hơn 91.000 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp đã và đang lâm vào cảnh phá sản, hàng vạn công nhân mất việc, hoặc bị chậm lương, nợ bảo hiểm.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đó cũng là khối nợ xấu khổng lồ, kéo dài nhiều năm qua, cho dù trần lãi suất cho vay của ngân hàng đã cải thiện đáng kể, từ hơn 20% vào năm 2008, xuống còn 17%, 15% rồi 9% và nay là khoảng 8%, thì vẫn không nhiều doanh nghiệp XDCB trụ lại được trên thị trường.

Ông Hà Thúc Định, Tổng Giám đốc công ty xây lắp TT-Huế phân tích: “Đối với các doanh nghiệp xây lắp thì lợi nhuận định mức trong dự toán Nhà nước quy định chỉ khoảng 5%, như vậy 1 công trình xây dựng cơ bản chậm khoảng 1 năm thì phần lãi vay sẽ vượt phần lợi nhuận định mức cho phép, nên các doanh nghiệp không thể gánh nổi chi phí lãi vay lớn như vậy”.

“Để đưa các doanh nghiệp này ra khỏi khó khăn thì Nhà nước cần cố gắng tìm nguồn để trả các khoản cho sản phẩm đã hoàn thành mà đang treo nợ, trả cho họ hết. Nếu chưa trả được hết thì trả cho họ cái lãi như họ đang vay ngân hàng”, ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TT-Huế đề xuất.

Là một trong những người đầu tiên báo động về con số nợ đọng xây dựng cơ bản của Việt Nam, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu hồi cuối tháng 9 vừa qua, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, chính nợ đọng xây dựng cơ bản sinh ra nợ xấu và gây khó khăn dây chuyền cho cả Nhà nước và doanh nghiệp. “Hàng trăm ngàn tỷ đồng là một trong những điều cơ bản nhất của nợ xấu, cho nên biện pháp ưu tiên mà Chính phủ phải làm quan trọng nhất mà hay nhất giúp tạo lòng tin đó là trả nợ cho doanh nghiệp”.

Để xử lý số vốn mà Nhà nước nợ doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản, đại diện Bộ Tài chính tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu khẳng định, các địa phương phải tự lo trả cho doanh nghiệp chứ ngân sách Nhà nước sẽ không trả nợ thay. Theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh.

Cũng theo Chỉ thị trên thì mỗi năm, số nợ đọng sẽ được các địa phương thanh toán tối thiểu 30% tổng số nợ để đến năm 2015, nợ được xử lý dứt điểm, góp phần củng cố niềm tin cho thị trường và doanh nghiệp, bởi không có niềm tin thì không thể có đầu tư cho cả trung và dài hạn.

VTV

;
.
.
.
.
.