.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn dư hơn 58 tỷ đồng

.

Với tổng số tiền đã sử dụng của quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quý III là hơn 1.040 tỷ đồng, hiện số dư tới hết ngày 30-9 của quỹ là trên 58 tỷ đồng.

Các số liệu trên vừa được Bộ Tài chính thông báo ngày 7-10 trong báo cáo về tình hình trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đến thời điểm hết tháng 9-2013.

Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền đã trích vào quỹ bình ổn từ ngày 1-7 đến hết 30-9 là trên 1.043 tỷ đồng, trong khi đó, số đã sử dụng trong cùng thời gian trên là hơn 1.040 tỷ đồng. 

Như vậy, cùng với số dương trong 6 tháng đầu năm là trên 55,4 tỷ đồng, quỹ bình ổn giá xăng dầu tới hết ngày 30-9 hiện đang là hơn 58 tỷ đồng.

Cũng trong thống kê với 12 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phát sinh trích lập, sử dụng quỹ bình ổn, Bộ Tài chính  cho hay có 6 doanh nghiệp hiện có số dư.

Trong đó, số tồn quỹ tính tới hết tháng 9-2013 lớn nhất vẫn là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số tiền hơn 205 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trong quý III của đơn vị này là khoảng trên 523 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ hai là Tổng công ty Xăng dầu quân đội với số tiền tồn quỹ bình ổn xăng dầu khoảng trên 180 tỷ đồng.

Trong khi đó, danh sách thống kê tới 30/9 của những đơn vị đang âm quỹ đứng đầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với số tiền âm trên 209 tỷ đồng. Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư cũng có con số hụt quỹ khá lớn khi âm khoảng hơn 145 tỷ đồng.

Như vậy, đây là lần thứ hai trong năm, quỹ bình ổn giá xăng dầu chính thức được Bộ Tài chính công khai. Trong lần thông báo gần nhất vào cuối quý II, quỹ bình ổn giá xăng dầu lúc ấy có số dư khoảng 55,4 tỷ đồng.

Trước đó, trong thông tin liên quan về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay sẽ tiếp tục việc công khai trên theo phương thức hàng quý chứ không phải theo tháng như một số ý kiến. 

Theo lý giải của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu công khai theo định kỳ hàng tháng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, công sức và thủ tục hành chính phải căn cứ theo báo cáo của doanh nghiệp, việc thẩm tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, nên rất mất thời gian, thủ tục và nhân lực.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.