.

Ruộng bỏ hoang do ảnh hưởng dự án: Nỗi niềm nông dân

.

Đất canh tác đang bị hoang hóa, trong khi nông dân rỗi việc, đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi triển khai dự án. Tại đó, đất lúa hoặc bị khô hạn, hoặc bị ngập úng. Điều dễ thấy nhất là đời sống nông dân các khu vực này đang rất khó khăn. 

Nông dân thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên bên cánh đồng bỏ hoang hóa nhưng không nằm trong quy hoạch.
Nông dân thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên bên cánh đồng bỏ hoang hóa nhưng không nằm trong quy hoạch.

Thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang là nơi bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ các dự án. Hàng chục ha đất lúa 2 vụ/năm đã nằm dưới nền các khu tái định cư Hòa Liên 3, 4 và 5. Số diện tích này cũng đã được đền bù khá thỏa đáng. Tuy nhiên, có hơn 9ha không nằm trong vùng quy hoạch, nhưng phải bỏ hoang hóa do mặt bằng các dự án đã san lấp lối thoát nước, ruộng đã thành các ao cạn. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng nơi cỏ mọc xanh um, lõm bõm nước, Trưởng thôn Vân Dương 1 Phạm Đình Nhơn cho biết: “Bà con có ruộng nhưng không canh tác được đang rất bế tắc. Họ không biết làm gì để có thu nhập. Nghe nói trên hỗ trợ, song chờ mãi vẫn chưa thấy”.

Theo ông Nhơn, thôn đã lập danh sách gửi lên xã, nhưng không rõ bao giờ mới có tiền. Còn ông Nguyễn Hồ, hộ có 2 sào ruộng đã bỏ hoang hóa 2 năm nay chia sẻ: “Trước đây, ruộng chưa bị úng ngập, năm 2 vụ, chí ít cũng thu được 1,2-1,3 tấn thóc. 2 năm nay, cứ quẩn quanh vào ra mà không biết làm gì. Một số hộ có điều kiện, mua trâu bò chăn thả trên vùng ruộng hoang đó, còn gia đình tôi khó khăn đành chịu. Hơn năm nay mở ra hoạt động sản xuất nấm rơm, nhưng không mấy khả quan do rơm ngày càng ít. Kết thúc vụ hè thu vừa qua, sang xã Hòa Châu, Hòa Tiến mua rơm nhưng đành về không bởi dạo này người ta thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, rơm gặt cả gốc rạ không dùng sản xuất nấm được”.

Bên cạnh đất canh tác hoang hóa do ảnh hưởng từ các dự án, hàng trăm hộ dân ở thôn Vân Dương 1 cũng đang buồn xo do kế hoạch giải tỏa, di dời đã thay đổi bằng chủ trương chỉnh trang. Đường qua thôn đã bê-tông hóa, đoạn nào cũng cao hơn nền nhà.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số hộ có đất canh tác không sản xuất do ảnh hưởng từ các dự án chấp nhận mức hỗ trợ 3.000 đồng/m2. Tuy vậy, không ít nơi người dân chưa thật hài lòng với mức hỗ trợ này, cụ thể như 2 thôn Cồn Mong và Miếu Bông, xã Hòa Phước. Tại đây, hơn 2ha sát khu dân cư trước đây là những ruộng rau muống quanh năm xanh tốt, nay đang là ao hồ bèo tây phủ kín.

Bà Trần Thị Nguyễn, sống ở khu vực này tâm sự: 2 sào đất ruộng hỗ trợ 6 triệu đồng/năm chẳng nhằm nhò vào đâu. Hồi chưa bị úng ngập, trên 2 sào đất ấy, ngày nào cũng thu khoảng 200.000 đồng từ bán rau muống. Mấy năm nay, mất hẳn nguồn thu đó, đời sống liên tục lâm vào cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó ban Mặt trận thôn Cồn Mong cho biết thêm: Từ ngày dự án triển khai phía ngoài, dọc thôn trở thành ao tù. Hễ mưa xuống nước ngập vào nhà. Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Đời sống 97 hộ tại khu vực này vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi liên tục phải đối phó với tình trạng nước tràn vào nhà, ruồi muỗi nhiều vô kể.

Giải quyết các khu vực đất canh tác không sản xuất do ảnh hưởng từ việc triển khai dự án đang là nỗi trăn trở của không ít người dân. Ai cũng cho rằng, kéo dài tình trạng này, đời sống của họ sẽ lâm vào khốn khó. Về vấn đề này, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy hoạch cụ thể, báo cáo Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố thông qua để có cơ sở lập thủ tục kiểm định, hỗ trợ, giải tỏa, đền bù theo quy định. Khu vực có thể sản xuất được, giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra, vận động nhân dân tiếp tục sản xuất tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Qua đây, thấy rằng việc triển khai ồ ạt nhiều dự án trên phạm vi rộng khi chưa đủ lực để thực hiện dứt điểm là nguyên nhân gây nên tình trạng dự án thực hiện rất chậm trễ, đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng rất khó khăn. Tại thôn Vân Dương 1, hàng chục hộ dân đang bị kẹp giữa 2 dự án, trong đó dự án Khu Công nghiệp Hòa Khánh (mở rộng) triển khai hơn 10 năm nay vẫn chưa san lấp hết mặt bằng. Ở phía Bắc của thôn, dự án Khu tái định cư Hòa Liên 3, 4 và 5 cũng dang dở, nay không thấy thi công. Báo hại, 9 ha đất ruộng lúa màu mỡ trở thành những bãi cỏ xanh tốt. Còn các nhà dân, hễ mưa xuống là ngập ngang cửa sổ, đời sống, sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Thiết nghĩ, UBND thành phố và cơ quan chức năng xem xét thực trạng này, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, giải quyết gọn từng dự án, tránh triển khai tràn lan gây nên tình trạng nơi nào cũng bị ảnh hưởng đến đất canh tác, khó khăn cho nông dân và xã hội mất đi lượng của cải vật chất khá lớn do không sản xuất trên diện tích bị ảnh hưởng này…

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.