Bão số 11 đi qua cũng là lúc người dân tất bật lo toan cuộc sống thường ngày. Dọc tuyến Hoàng Sa-Trường Sa, đoạn từ Công viên Biển Đông ra bán đảo Sơn Trà, hàng trăm quán xá, nhà dân bị bão thổi bay tốc mái; cát, đá, sỏi tràn kín mặt đường. Hai bên đường, hàng chục chiếc thuyền, thúng bị bão đánh bật lên nằm ngổn ngang, có chiếc lật úp, chiếc nằm nghiêng, chiếc không còn đuôi thuyền… Người dân tất bật sửa sang lại mọi thứ vừa bị bão tàn phá.
Thu dọn lưới và sửa chữa thuyền, thúng chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp. |
Sáng 16-10, có mặt tại khu vực ven biển đường Hoàng Sa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tư cùng hơn 5 người bạn chài ở phường Phước Mỹ đang hối hả thu dọn tấm lưới bị bão quấn lại thành một đống. Ông Tư phân trần phải mất đến hơn 3 tiếng đồng hồ mới có thể gỡ xong tấm lưới này và nhanh nhất thì đến chiều mới ra biển. Anh Trần Tấn Niệm, ngư dân phường Thọ Quang đang khoan bắt vít lại con thuyền của mình, cho biết: Dự báo được cơn bão mạnh, gia đình đã đem thuyền lên sát bờ từ trưa 13-10, neo chằng cẩn thận nhưng sóng lớn quá, những con sóng cao 2-3 mét liên tục đánh thẳng vào bờ, khiến một góc bên sườn thuyền bị bung ra. Cùng cảnh ngộ với anh Niệm, thuyền của ngư dân Nguyễn Hòa cũng bị sóng đánh làm hư hỏng phần đuôi.
Bên cạnh việc sửa chữa tàu, thuyền, nhiều ngư dân tất bật lo cho chuyến biển kế tiếp. Kéo chiếc xe bò chở đầy ngư, lưới cụ ra khu vực biển Thọ Quang, ngư dân Lê Văn Trương cho biết: Sau bão là thời điểm đánh bắt được nhiều cá, tôm… nên bà con ngư dân đều tranh thủ ra biển. Mỗi chuyến đi lúc này thu nhập gấp 2 chuyến biển bình thường.
Chăm sóc lại ruộng rau. |
Với nông dân, tại các khu vực trồng rau ở các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, hàng chục hộ dân trồng rau đang hối hả lên luống, cắt bỏ các phần rau hư do mưa bão. Nhiều ruộng rau dập nát, đang bị héo úa, hư hỏng được bà con nhổ bỏ để trồng lại cây mới. Bà Lê Thị Huệ, phường Mỹ An cho biết: “Nhà tôi trồng hơn 2 sào rau các loại, trong đó, có khoảng 1 sào đang cho thu hoạch. Hai ngày qua, trời mưa và gió mạnh, đám rau đang cho thu hoạch bị dập nát, năng suất giảm mất trên 60%, nhất là xà lách gần như bỏ đi, còn rau húng mới trồng phần nhiều bị cát vùi lấp”. Bà Lan đang cắt rau trên ruộng gần đó cho biết: “Nhiều loại rau dù chưa đến lứa nhưng tôi cũng phải thu hoạch gấp rút, vớt vát được chừng nào hay chừng đó”.
Theo kinh nghiệm những người trồng rau, sau bão cây rau thường bị dập nát lá, úng nước, không phát triển được; với các loại rau ăn lá như cải, xà lách thì thối lá, thối gốc; cây rau ăn trái như dưa leo, đậu cô-ve thì bị rụng hoa, thối quả, làm giảm năng suất... nên việc chăm sóc ruộng rau cần nhiều thời gian và công sức hơn. Đối với những loại rau đang mùa thu hoạch, phải tranh thủ để vớt vát; loại chưa thu hoạch được thì phải khơi thông luống rãnh, thêm phân bón…
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN