Trong khi dịch đau mắt đỏ ở Đà Nẵng đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong cộng đồng dân cư, trường học, nhiều công sở với hàng ngàn người mắc bệnh thì thông tin về hiện tượng khan hiếm, hết thuốc, thậm chí ém hàng để nâng giá thuốc điều trị tại các nhà thuốc bán lẻ trong mấy ngày qua khiến người dân lo ngại, bức xúc...
Người dân không muốn giá thuốc tăng trong bối cảnh nhiều dịch bệnh xuất hiện quanh năm. Trong ảnh: Tư vấn thuốc trị đau mắt đỏ tại nhà thuốc số 2 Phan Đình Phùng. |
Khan hiếm, đứt hàng
Chị Tôn Nữ Thị Thu Vân (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết đứa cháu của chị bị bệnh đau mắt đỏ do lây từ bạn học chung trường mẫu giáo. Chị ra nhà thuốc mua 1 lọ Tobrex giá 45.000 đồng. Sau đó 4 ngày, cả chị và chồng đều đau mắt đỏ, chị mua tiếp 1 lọ Tobrex nhưng chủ nhà thuốc cho biết giá tăng lên 50.000 đồng. Thắc mắc thì người bán thuốc lẻ cho biết dịch bệnh đang tăng cao nên hàng hiếm, không đủ bán. Còn ông Phạm Đăng Ngọc, được chẩn đoán là viêm kết mạc kèm theo sưng tấy đi khám ở phòng khám bác sĩ tư trên đường Hải Phòng giật mình khi tiền khám bệnh và tiền thuốc gần 200.000 đồng (trước đây thì khoảng 120.000 đồng đến 140.000 đồng). Điều người dân lo nhất là hiện tượng các đơn vị nhập khẩu, phân phối găm hàng, tạo ra sự khan hiếm để đột ngột tăng giá.
Trong khi đó, lo lắng vì con gái nhỏ tuổi đau mắt đỏ, tối 2-10, một đồng nghiệp (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tất tả chạy xe máy lòng vòng tìm đến 4 - 5 nhà thuốc trên địa bàn quận Sơn Trà mà vẫn không mua được lọ Tobrex. Đến nhà thuốc nào, anh cũng được trả lời là thuốc nhỏ mắt loại tốt, hàng nhập ngoại hiện rất khan hiếm, có loại đứt hàng đã gần một tuần qua. Bí quá, anh đành mua lọ thuốc nội loại 19.000 đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số nhà thuốc trên địa bàn quận Hải Châu, Sơn Trà, hiện nay giá thuốc điều trị các bệnh đau mắt đỏ tăng từ 5 - 10% so với trước khi dịch bùng phát. Riêng đối với dung dịch thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi Natri clorid ngày thường giá 3.000 đồng/lọ thì nay có một số nhà thuốc lấy lý do dịch tăng nên tăng lên 4.000 đồng/lọ. Ngoài thuốc tăng giá thì một số loại thuốc hiện trên thị trường khan hiếm, thậm chí đứt hàng, trong đó có Oflovid, Tobrex.
Trong bối cảnh thuốc trị bệnh đau mắt đỏ đang khan hiếm, đứt hàng, người dân lo ngại về hiện tượng găm hàng, đẩy giá bán lẻ lên cao để kiếm lời. Tuy nhiên, ngày 2-10, chúng tôi liên lạc với một số doanh nghiệp cung ứng thuốc thì được biết, ngay thời điểm hiện tại, Công ty CP Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng (Dapharco) vẫn cho biết bảo đảm cung ứng đủ thuốc ra thị trường. Dược sĩ Võ Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dược phẩm - Thiết bị y tế và vật tư tiêu hao thuộc Dapharco, cho biết toàn hệ thống gần 200 nhà thuốc bán lẻ của công ty vẫn bảo đảm bán theo đúng giá công ty đưa ra. Theo đó, thuốc Tobrex giá 45.000 đồng/lọ; Oflovid giá 65.000 đồng/lọ; Cloramphenicol và Natri clorid đều bán giá 3.000 đồng/lọ. “Chúng tôi cam kết thực hiện đúng quy định của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế về việc không lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng để tăng giá, trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Võ Anh Hùng khẳng định.
Ngoài đơn vị nói trên, hàng trăm nhà thuốc bán lẻ khác chưa ai dám khẳng định có âm thầm nâng giá bán hay không? Đây là điều lo lắng của những gia đình khó khăn, có nhiều người mắc bệnh đau mắt đỏ trong thời điểm hiện tại.
Hơn 6.000 người mắc bệnh
Cho tới thời điểm này, dịch đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố đã bùng phát mạnh với những diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, rất nhiều trường học đã khuyến cáo học sinh mắc bệnh nghỉ học để tránh sự lây lan cho học sinh khác.
Qua thống kê tại Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đà Nẵng và các Trung tâm Y tế quận, huyện, toàn thành phố đã có hơn 6.000 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám và cấp thuốc điều trị. Trên thực tế, số người mắc bệnh nhiều hơn do tự điều trị ở nhà.
ThS, BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, dịch đau mắt đỏ lần này do Adeno virus gây ra. Đây là căn bệnh lành tính nhưng tốc độ lây lan rất nhanh do lây nhiễm qua đường hô hấp. “Người bệnh không được chủ quan vì sau khi hết đỏ mắt bệnh vẫn có nguy cơ lây lan cho người khác trong thời gian 7 ngày. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh dùng chung khăn mặt và nhỏ nước muối thường xuyên là việc nên làm để phòng lây bệnh”, BS Thạnh khuyến cáo.
Kiểm tra không báo trước Trước thông tin giá thuốc tăng được phóng viên Báo Đà Nẵng cung cấp tại buổi làm việc, ông Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết chưa nghe thông tin tăng giá thuốc điều trị đau mắt đỏ trên thị trường Đà Nẵng. Theo ông Dũng, Thanh tra Sở Y tế sẽ tổ chức ngay các đợt kiểm tra không báo trước, nếu phát hiện nhà thuốc, doanh nghiệp nâng khống giá sẽ lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày tới. |
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG