Đa số các doanh nghiệp ở nông thôn xuất phát điểm thấp nên khá chật vật trong việc phát triển quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường… Vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CSCNNT) cần có những chương trình hỗ trợ thiết thực.
Sản phẩm có thương hiệu giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có chỗ đứng trên thị trường. Trong ảnh: Xưởng chế biến gỗ và ván ép của Công ty TNHH Vũ Tuấn. |
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Là một doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, nhưng nhờ sự mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị nên sản phẩm cửa nhựa mang thương hiệu ĐQ của Công ty SX-TM-DV Đức Quý (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đã có mặt tại Bệnh viện Mắt (Huế), Thủy điện A Vương (Quảng Nam) và các công trình tại Đà Nẵng. Ông Lê Hữu Phương, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Nếu sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sẽ tránh được vấn nạn hàng giả, hàng nhái; đồng thời khẳng định được chất lượng hàng hóa đối với khách hàng. Trước đây khi chưa nhận được sự hỗ trợ khuyến công của thành phố, chúng tôi cũng đã từng đăng ký logo, nhãn hiệu nhưng làm chưa đến nơi đến chốn.
Còn bây giờ, khi được hỗ trợ chúng tôi thấy việc đăng ký thương hiệu có lợi trong việc phát triển thị trường và bảo vệ doanh nghiệp”. Bà Trương Thị Kim Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Tuấn (chuyên sản xuất mộc và ván ép) thừa nhận: “Xác định thị trường tiêu thụ nội địa là chính nên khi được đặt vấn đề về hỗ trợ thương hiệu, chúng tôi rất mừng vì sản phẩm đã có logo tên tuổi, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng”.
Các chương trình tư vấn của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố đã giúp các CSCNNT mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng đến thương hiệu nhằm nâng cao năng lực và uy tín của mình. Năm 2013, thực hiện nhiệm vụ Bộ Công thương giao, trung tâm tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Theo đó, 10 cơ sở, doanh nghiệp được xây dựng và đăng ký thương hiệu từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Các đơn vị được nhận kinh phí đợt này đều là những cơ sở hoạt động có hiệu quả, sản phẩm có doanh thu cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn...
Cần tiếp tục hỗ trợ về vốn
Các CSCNNT ở huyện Hòa Vang đều có một đặc điểm chung là tài chính hạn hẹp. Vì thế, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại còn hạn chế. Sự hỗ trợ về kinh phí cũng như đăng ký thương hiệu đã tạo cho các cơ sở, doanh nghiêp ở nông thôn có thêm động lực phát triển. Anh Trương Quang Song, chủ cơ sở đồ gỗ cao cấp Quang Song 3 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Những cơ sở nhỏ như chúng tôi thực tình có lúc bị chao đảo hoặc phải đóng cửa, nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, hiện tôi đã có 3 cơ sở kinh doanh và một số nhà xưởng sản xuất với quy mô lớn hơn, hàng chục thanh niên có việc làm. Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện cho các em vừa học nghề vừa có thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng để trang trải cho bản thân”.
Với việc tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu dồi dào tại địa phương, một số cơ sở sản xuất đã phát triển sản xuất, kinh doanh hợp lý. Đại diện Công ty TNHH Chăm Chăm (sản xuất rượu vang từ đài quả Hibiscus) bày tỏ: “Để mua một thiết bị cho sản xuất phải mất khoảng 3 tỷ đồng mà điều đó quá sức đối với một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng, nếu không nhập máy móc về thì hơn 10 hec-ta hoa của nông dân Hòa Bắc trồng ra biết bán cho ai, nên chúng tôi đã phải xoay sở bằng mọi cách. Vì sản phẩm này đặc trưng của Đà Nẵng nên dù sự hỗ trợ chúng tôi nhận được còn khiêm tốn, nhưng đây là nguồn động viên có ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp”.
Trong những năm qua, tuy nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương, nhưng việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích của chương trình và nhu cầu thiết thực của CSCNNT đã có tác động đáng kể đến việc phát triển quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ, trình độ lao động quản lý... Để công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố cho biết: Chương trình khuyến công sẽ tiếp tục theo sát doanh nghiệp, thúc đẩy các cơ sở mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH