Nhiều công trình vừa khánh thành xong đã xuống cấp nặng nề, hoặc bị thiên tai tàn phá. Nguyên nhân chính là công tác thiết kế, thi công chưa tính đến yếu tố tác động của môi trường, thiên tai.
Sau mùa mưa năm 2010, đường Hoàng Sa bị sạt lở nặng. |
Những bài học đắt giá
Đúng 10 năm trước, khi đường Nguyễn Tất Thành được khánh thành đưa vào sử dụng, ngay lập tức nhiều người cho rằng đây là cung đường ven biển thuộc diện đẹp nhất miền Trung. Quả thực ai đã từng đi trên con đường này, nhất vào ban đêm đều phải công nhận đây là con đường rất đẹp. Tuy nhiên, cũng ở thời điểm đó, không ít nhà chuyên môn đã cho rằng, con đường này đẹp thật nhưng khó có khả năng “sống chung” với thiên tai vốn thường xuyên xuất hiện ở miền Trung. Và thực tế, trận bão năm 2006 là minh chứng đúng cho nhận định này của các nhà chuyên môn.
Sau trận bão này, mọi người đều ngỡ ngàng trước sự hư hỏng đến mức khó tin của con đường này. Bờ kè của tuyến đường bị vỡ toác, lộ ra chỉ toàn đá hộc không có một cây sắt nào, khiến cho sóng cuốn theo khối lượng cát khổng lồ lấp gần hết mặt đường. Nhiều đoạn bị đứt sâu. Hai mố trụ ở hai đầu cầu Phú Lộc bị sóng đào sâu lộ cả móng trụ. Lúc này, đơn vị thiết kế lý giải, do kinh phí hạn chế nên không thể thiết kế bờ kè bằng các trụ bê-tông đóng sâu xuống lòng đất, mà chỉ xây bằng đá hộc. Thế nhưng, thực tế không phải là “thiếu kinh phí”, mà chính là thiết kế công trình hạ tầng giao thông ngay vịnh Đà Nẵng mà lại quên tính đến yếu tố bão, lũ.
Một cung đường cũng rất đẹp ở Đà Nẵng là tuyến đường Hoàng Sa, đoạn ra bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, gần như mùa mưa năm nào con đường này cũng bị... tắc, vì ta-luy sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân là do bờ ta-luy dương có chỗ cao đến vài chục mét, bề rộng lên cả trăm mét, vậy mà để chống xói mòn người ta cho xây những ô vuông có cạnh khoảng 1 mét và bên trong thì trồng cỏ. Kết quả, sau một trận mưa, gần như toàn bộ mái ta-luy sạt lở cả hàng trăm khối đất, đá.
Tương tự là tại vị trí dốc Kiền trên đường ĐT 604, gần như năm nào có mưa cũng bị sạt lở và đặc biệt năm 2011, tại vị trí này sạt lở đến cả nghìn mét khối đất, đá khiến giao thông qua đây tê liệt hoàn toàn. Nguyên nhân cũng là thi công phần ta-luy dương không bảo đảm yêu cầu khiến cho cả quả đồi bị sạt lở.
Xây dựng công trình giao thông chịu đựng bão, lũ
Rút kinh nghiệm từ tồn tại trên, việc sửa chữa đường Nguyễn Tất Thành đã làm hoàn toàn khác trước đây. Đó là tiến hành thi công lại bờ kè theo cách truyền thống là đóng cọc sâu xuống lòng đất; hệ thống lan can xuống biển đúc bằng bê-tông, vỉa hè được bê-tông hóa. Nhờ vậy, kể từ sau trận bão 2006, đường Nguyễn Tất Thành chịu được mưa gió.
Tương tự, tuyến đường Hoàng Sa, tại những vị trí bị sạt lở đã được bê-tông hóa 100% chứ không trồng cỏ; các con suối nhỏ đều được xây hệ thống dẫn nước xuống biển, tuyệt đối tránh tình trạng xây ta-luy bịt kín theo kiểu “cưỡng chế” trước đây. Nhờ vậy mà trong trận bão số 11 mới đây con đường này không bị ảnh hưởng gì. Đặc biệt, một số tuyến đường mới xây dựng sau này như đường Trường Sa, đường ven sông Cẩm Lệ... đều được tính toán đến yếu tố mưa, bão nên đã tránh được “vết xe đổ” như đường Nguyễn Tất Thành.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, vài năm gần đây, ngành đã tập trung quyết liệt vào công tác giám sát chất lượng các công trình hạ tầng giao thông. Điều này không chỉ thể hiện từ khâu thi công, mà cả khâu thiết kế và tổ chức thi công đều được “soi” rất kỹ càng và tất cả đều tính tới yếu tố dự phòng khi mưa, bão xảy ra.
Đặc biệt, sở đã hoàn thành việc đánh giá xếp loại các đơn vị nhà thầu, tư vấn, giám sát thi công công trình; nếu đơn vị nào bị đánh giá thấp thì tuyệt đối “cấm cửa” nhận các công trình của thành phố. Không những vậy, với những đơn vị đủ tiêu chuẩn nhận thầu, nhưng quá trình thi công không đạt yêu cầu cũng bị xử lý nghiêm. Bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật chung của ngành cầu đường, tại Đà Nẵng trong vài năm gần đây các công trình còn có tính toán đến hệ số dự phòng thiên tai.
Mặc dù, theo ghi nhận của các nhà khoa học thì tại Đà Nẵng chưa xuất hiện động đất, nhưng cầu Thuận Phước và nút giao thông ngã ba Huế đều được thiết kế chịu được động đất cấp 7; còn các cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý cũng chịu được đến mức động đất cấp 6. Đây là hệ số tiêu chuẩn mà các nhà khoa học đều đánh giá cao về “hệ số dự phòng” của thành phố Đà Nẵng trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông. Đây chính là cơ sở giúp hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng chịu được tác động khắc nghiệt của thiên tai trong những năm gần đây.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN