Sẽ không có “đại tiệc” cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP), nếu chúng ta không đủ mạnh để cạnh tranh. Vì vậy, chỉ nên coi TPP như một cơ hội để nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có cơ hội vươn ra “biển lớn”. Đó là lời khuyên từ các chuyên gia mà doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cần quan tâm để từng bước đầu tư thích hợp, đủ năng lực hòa nhập và cùng phát triển.
Tự sản xuất được một phần nhu cầu sợi là thế mạnh của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ khi gia nhập TPP. |
Xây dựng thương hiệu, yêu cầu bức thiết
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngành Công thương thành phố đã xây dựng nhiều chương trình hành động và đã thu được kết quả đáng khích lệ. Trong đó chương trình phát triển một số sản phẩm chủ lực (giai đoạn 2003 đến 2013) thu được kết quả khả quan nhất.
Sau 10 năm đổi mới, đầu tư với các chính sách phù hợp và sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), đến nay, thành phố đã xây dựng được 5 sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm lốp ô-tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi-măng. Đây cũng là những sản phẩm chính của ngành công nghiệp thành phố có đủ độ tin cậy, có lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nói trên khi xuất khẩu phải mang tên và thương hiệu của các hãng đối tác nước ngoài. Điều này gây nhiều thiệt hại cho DN, lợi nhuận vì thế cũng giảm nhiều, khó có điều kiện mở rộng thị trường và chủ động xuất khẩu trong tương lai.
Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết mặc dù hầu hết sản phẩm của công ty xuất khẩu sang các thị trường châu Âu đều đạt tiêu chuẩn của các nước sở tại và được đưa thẳng ra các siêu thị bán cho người tiêu dùng, nhưng sản phẩm phải mang nhãn mác của các đối tác. Nhưng thiệt thòi nhất cho DN là đối tác bán cho người tiêu dùng đắt hơn 2 lần so với giá mua của công ty và hưởng 100% tiền lãi, mặc dù nguyên vật liệu do chúng ta khai thác và toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối tại DN. Điều này đồng nghĩa với việc phần lợi nhuận chủ yếu các đối tác nước ngoài hưởng.
Tình trạng trên còn kéo dài ngày nào thì các DN của chúng ta làm thuê, hưởng tiền gia công rẻ mạt hoặc phải sống nhờ vào thương hiệu của đối tác. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các DN phải khẩn trương xây dựng thương hiệu cho chính mình, cho dù đây là một quá trình lâu dài, tốn kém cả thời gian và tiền của. Sự thành công của các sản phẩm cao su với nhãn mác DRC của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, một số sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ với nhãn mác là Hotexco hay các sản phẩm của Công ty CP Dệt may 29-3 với nhãn mác Hachiba là rất đáng khích lệ.
Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đăng ký và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “DRC, HÌNH” trên lãnh thổ Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar. Có được thành quả này là do các đơn vị này đã ý thức được và quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu từ lâu. Song để các đơn vị này có được thương hiệu thì ngoài sự nỗ lực của chính DN, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng thành phố.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Đồng thời với xây dựng thương hiệu, việc nâng cao chất lượng sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh. Về cơ bản, thiết bị và công nghệ mà các DN đang sử dụng đều cũ, công nghệ không mới. Vì thế, chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, chất lượng sản phẩm chưa tốt. Đây thực sự là bất lợi của các DN, ngay cả ở thị trường trong nước. Do vậy, các DN cần tranh thủ những chính sách ưu đãi và sự hỗ trợ của Nhà nước, của thành phố để đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trong đó, phải ưu tiên đặc biệt cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị vì hầu hết DN đang sản xuất với công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Trong thực tế, hầu hết các đối tác, nhất là đối tác trong lĩnh vực dệt may, trước khi ký hợp đồng mua sản phẩm, đều yêu cầu được tham quan (thực chất là kiểm tra) nhà xưởng để đánh giá các điều kiện sản xuất, trong đó có việc kiểm tra công nghệ của DN. Nếu sản phẩm làm ra tốt, nhưng thiết bị, công nghệ và điều kiện sản xuất không đạt tiêu chuẩn, họ cũng không mua.
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, nhiều DN trong các lĩnh vực dệt may, cao su… đã kiên trì đầu tư, đổi mới công nghệ thiết bị. Vì thế chất lượng sản phẩm đã được cải thiện, nhiều cơ sở đã sản xuất được nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu cao của đối tác ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Chẳng hạn như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3 đã sản xuất và xuất khẩu được mặt hàng veston với số lượng lớn; Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã sản xuất thành công nhiều loại lốp ô-tô chuyên dùng có chất lượng cao như lốp ô-tô toàn thép, lốp ô-tô chuyên dùng cho ngành khai thác khoáng sản…
Với sự chuẩn bị khá kỹ trong nhiều năm qua, hy vọng các doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ tự tin bước vào thị trường mới khi TPP được ký kết.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH