.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận "nhà băng"

.

“Nếu đủ điều kiện vay vốn mà phía ngân hàng (NH) lại gây khó khăn, nhũng nhiễu, vòi vĩnh..., các doanh nghiệp (DN) có thể “tố” trực tiếp NH đó lên Chi nhánh NH Nhà nước (NHNN) Đà Nẵng để được hỗ trợ giải quyết”, ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN Đà Nẵng, khẳng định tại hội thảo “Vốn cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 20-11. 

Thiếu vốn, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất gạch ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang
Thiếu vốn, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất gạch ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang

Thủ tục, điều kiện cho vay còn phiền hà

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, cho rằng khủng hoảng kinh tế, DN gặp nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh, trong đó có vấn đề về nguồn vốn để khắc phục thiệt hại, duy trì hoạt động và tiếp tục đầu tư. Trước tình hình này, Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho DNNVV, trong đó tập trung vào giải pháp về nguồn vốn như: giảm lãi suất (LS), tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các kênh tín dụng. Và thời gian qua, không ít DN gặp nhiều khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời về vốn, từ đó ổn định sản xuất và duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều DN đang rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng và có nguy cơ phá sản nếu không tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời với LS ưu đãi của Nhà nước.

Đến thời điểm này, LS cho vay ở một số NH đã giảm, thế nhưng, mức giảm vẫn chưa nhiều và chỉ giảm ở một số khoản vay ngắn hạn và tín dụng tiêu dùng. Còn LS trung và dài hạn mà các DN đang “khát” lại vẫn ở mức khá cao, từ 14-15%/năm. Và đây chính là nguyên nhân đẩy các DN rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc DN buộc phải tuyên bố phá sản. Ngoài ra, thủ tục và điều kiện để DN tiếp cận được vốn vay từ NH còn rất nhiều phiền hà, làm DN nản lòng… 

“Giảm bớt thủ tục và hạ LS để giúp DN thoát khỏi bờ vực phá sản là điều vô cùng cần thiết trong lúc này để vực dậy nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái. Nhưng xem ra, các phương thức mà một số NH đang áp dụng lại không phù hợp hoặc gây khó khăn cho DN khi muốn tiếp cận vốn vay NH”, ông Lý nói. Cùng quan điểm như ông Lý, ông Phan Văn Út, Giám đốc Công ty CP Khởi Phát, bức xúc kể lại: Cách đây khoảng một tháng, ông đi làm thủ tục vay vốn ở NH với số tiền 300 triệu đồng, thế nhưng cũng phải “chạy” đến NH thứ 4 mới vay được. 3 NH trước đó từ chối cho ông vay với lý do DN “dính” vào nợ xấu ở một khoản vay từ năm 2010, dù trước đó ông đã hoàn trả hết nợ.

Cần nới lỏng điều kiện vay vốn

Tại hội thảo, đại diện các DNNVV cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn NH để tăng trưởng và phát triển bền vững. Do đó, các DN đề nghị cần có thể chế, các gói sản phẩm và phương pháp tiếp cận riêng dành cho nhóm DNNVV.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nêu vấn đề: “Để hỗ trợ cho các DN ổn định và phát triển sản xuất, thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách. Nhưng quan trọng là chính sách hỗ trợ DN như vậy đã đủ chưa? Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phải nói rõ về trình tự, thủ tục hồ sơ vay vốn của DN như thế nào để tiếp cận được nguồn vốn từ NH, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ”.

Còn theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam, hiện tại khu vực DNNVV đang chịu rất nhiều thiệt thòi về chính sách và gặp khó khăn toàn diện như: khó khăn về đầu ra sản phẩm, mua nguyên liệu đầu vào, khó cạnh tranh về giá với các hàng hóa nhập lậu… và đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, với việc nợ xấu, nợ dây chuyền giữa các DN, dòng tiền yếu, chi phí cao…, DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi do kéo dài, khiến DN suy kiệt mạnh và dễ dẫn đến “chết lâm sàn”.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, thực hiện hiệu quả hơn việc đầu tư tín dụng cho DN, cộng đồng DN Đà Nẵng mong muốn các NH cần tăng cường hợp tác, chia sẻ. Trong đó, NHNN cần nghiên cứu nới lỏng điều kiện vay vốn, bởi trên thực tế, bảo đảm an toàn thực sự cho vốn vay không phải là tài sản thế chấp mà chính là tính khả thi và hiệu quả của phương án sản xuất, kinh doanh của DN.

Nếu NH thực hiện được việc đổi mới chính sách cho vay và cơ cấu tín dụng theo hướng căn cứ vào tình hình khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thì sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tài sản thế chấp của DNNVV và như vậy, sẽ mở rộng cửa hơn cho các DNNVV vay vốn. Bên cạnh đó, NH cần hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức hiệp hội. Đây là tổ chức có nhiều thông tin về DNNVV, giúp NH rút ngắn thời gian ra quyết định cho vay. Đồng thời, các tổ chức này có thể cung cấp thông tin tình hình hoạt động DN vay vốn, tạo điều kiện cho DNNVV khắc phục những hạn chế về tài sản bảo đảm và năng lực chứng minh tài chính.

Tổng hợp các kiến nghị từ phía Hiệp hội DNVVN Đà Nẵng cũng như các DN tham dự hội thảo, ông Võ Minh khẳng định sẽ nghiên cứu từng vấn đề cụ thể để sớm trình lên NHNN Việt Nam xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời điểm hiện nay. “Nếu đủ điều kiện vay vốn mà phía NH lại gây khó khăn, nhũng nhiễu, vòi vĩnh…, các DN có thể “tố” trực tiếp NH đó lên Chi nhánh NHNN Đà Nẵng. Các DN hãy yên tâm, đừng lo NH sẽ “thù vặt” không cho vay vốn”, ông Minh khẳng định.

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.