.

Hàng hóa không nhãn mác: Không an tâm chất lượng

.

Chỉ cần nêu đúng mặt hàng với số lượng cần mua là khách hàng được đáp ứng ngay yêu cầu. Đó là đặc điểm chung của rất nhiều loại thực phẩm, nguyên liệu chế biến không dán nhãn mác bán trên thị trường hiện nay.

Nhiều thực phẩm tại chợ chưa bảo đảm an toàn.
Nhiều thực phẩm tại chợ chưa bảo đảm an toàn.

“Cân ký làm gì có nhãn mác”

Bước vào những quầy hàng khô tại các chợ, khách hàng dễ dàng bắt gặp các bịch lớn, bịch nhỏ đựng các loại bột khô màu trắng, màu vàng. Nếu không chú ý hoặc chưa từng sử dụng, sẽ chẳng ai biết đó là những thứ thực phẩm, gia vị gì. Trong vai người cần mua một ít bột làm đặc nồi súp bắp, chúng tôi được một chị tiểu thương ở chợ Cồn tư vấn một loại bột có tên gọi là bột năng với giá chưa tới 40.000 đồng/kg. Sau khi nói chỉ lấy mấy lạng, chị chủ lôi từ phía trong ra một bao khoảng 10kg được bọc bằng bao giấy kèm ni-lông bên ngoài rồi xúc ra một số lượng cân vừa đủ theo yêu cầu.

Quan sát vào trong thấy có nhiều bao đựng các loại bột khác nhau, chúng tôi hỏi thử từng loại thì chị nói “nhiều loại lắm, thứ dùng để nấu chè, thứ để lăn bên ngoài các loại đồ nướng, chiên, hấp… với nhiều tác dụng khác nhau”. Khi thắc mắc vì sao không ghi nhãn mác thì chị bán hàng cười, nói: “Đồ cân ký thì làm gì có nhãn mác. Thứ ni ai mua nhiều bán nhiều, ai mua ít bán ít chứ có đóng gói cố định như hàng công ty đâu”!

Đúng như lời chị tiểu thương nói, hầu hết các nguyên liệu đóng gói bao ni-lông lớn buộc dây thun ở các chợ đều ít thấy nhãn mác. Tại chợ Hàn, những quầy hàng đặc sản khô có rất đông khách du lịch chọn mua. Để ý những bao cá phi-lê, cá xắt chỉ, mực rim, cá tẩm gia vị, nai khô, bò khô từng miếng, bò xé sợi… không hề có địa chỉ cụ thể. Khách hàng nào muốn mua có thể lấy tay bốc vài miếng để ăn thử, phù hợp với khẩu vị thì người bán mới bốc vào bao để cân ký. Một số thịt bò khô để làm nộm có giá rất “mềm” từ 250.000-400.000 đồng/kg. Khi được hỏi hạn sử dụng, nhãn mác, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định có nhãn mác nhưng do số lượng nhiều nên bỏ ra túi ni-lông bán cho tiện.

Thậm chí, khi khách đồng ý chọn những loại thực phẩm ăn liền như mứt trái cây, bánh kẹo, người bán sẽ nhanh tay đóng bao nhỏ và sau đó tự dán nhãn tên quầy hàng, số lô… ở chợ nhằm khẳng định đây là hàng có xuất xứ hẳn hoi! Với những mặt hàng phụ gia như hàn the, chất tạo màu, tạo độ ngọt (thường bị cấm lạm dụng) dù không trưng bày nhưng cũng không khó để mua. Ngỏ ý muốn mua đường hóa học, hương liệu để pha chế nước si-rô, khách có nhu cầu bao nhiêu người bán phục vụ đủ số lượng. Với thái độ dò xét, người bán nhìn trước nhìn sau rồi dặn dò cẩn thận về cách pha chế và liều lượng.

Khó bảo vệ người tiêu dùng

Những loại thực phẩm nguyên liệu và phụ gia không đóng bao lớn và không có nguồn gốc rõ ràng nên khi khách hàng sử dụng, nếu có vấn đề gì sẽ khó được đền bù thiệt hại. “Sản phẩm không ghi nơi sản xuất nếu lỡ ăn vào ngộ độc thì biết bắt đền ai hả chị?”. Chị bán hàng ở chợ Cồn trấn an: “Chị bán ở đây bao nhiêu năm rồi, lấy uy tín ra để bảo đảm. Hàng chủ yếu bán sỉ bao lớn cả chục ký mỗi loại thì dán chi cho rườm rà”. Với kiểu mua bán tin nhau là chính, không ít người tiêu dùng vì thói quen xuề xòa mua nhầm hàng bị đánh tráo.

Mới đây, một khách hàng ở quận Sơn Trà đã phản ánh đến Báo Đà Nẵng về việc anh mua một gói bột mì ở chợ Nại Hiên Đông. Khi về dùng, gói bột có nhiều chỗ bị vón cục, có mùi lạ nên không dám ăn nữa. Khách hàng này bức xúc không biết phải nhờ ai can thiệp vì thực tế mua hàng không có nhãn mác rất khó để chứng minh với người bán khi muốn đổi lại hay yêu cầu đền bù.

Cũng phản ánh với thái độ cảnh báo, chị Nguyễn Thị Trung (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết, nhà xa trung tâm nên chị hay mua ruốc chà bông ở chợ Hòa Ninh và nhiều lần mua phải hàng tạp nham, khó biết loại nào là thịt loại nào là cá. Những lần như vậy đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Trao đổi về ý kiến người tiêu dùng phản ánh, Văn phòng Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng nhận định, những vụ việc mua bán hàng hóa không nhãn mác, xuất xứ nói trên hiện rất phổ biến trên thị trường, nhưng vì giá trị không lớn hoặc chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, do đó đa số người dân không có khiếu nại bằng văn bản mà chỉ phản ánh bằng miệng.

Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cũng như túi tiền, mọi người cần nâng cao ý thức trong tiêu dùng nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, nhất là nhiều mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng đã bị cơ quan chức năng trong nước công bố vừa qua.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.