Chiều 20-11, trả lời chất vấn của các ĐBQH về việc tăng giá cước 3G vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng điều này đã tạo nên sức nóng, dư luận rất quan tâm. Ông lý giải, đây là chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp qui định hiện hành và các cam kết quốc tế. “Chúng ta không thể bán dưới giá thành”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng khẳng định, tăng giá cước 3G là việc bình thường trong cơ chế thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Tăng giá cước 3G còn có yếu tố xã hội nữa là tất cả các nhà mạng này đều là của Nhà nước. Tăng giá cước cũng là đóng góp cho đất nước. Các DN viễn thông hiện cũng là nhóm DN đóng góp nhiều cho đất nước. Bộ trưởng cho rằng, người tiêu dùng cũng cần chia sẻ với các nhà mạng vì tất cả hạ tầng viễn thông, thiết bị nhập ở nước ngoài tới 80%.
Chúng ta dùng dịch vụ Internet thì nhà mạng phải thanh toán quốc tế. Nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán giá thấp, vì thế phải chia sẻ nhà mạng để từng bước theo giá thị trường. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, việc tăng giá cước là đánh vào người thu nhập cao, dùng smart phone.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, giá cước viễn thông của ta so với giá thế giới thấp hơn rất nhiều lần. Cụ thể, thấp hơn so với khối ASEAN là 34,9 lần và thấp hơn thế giới từ 34-57%. Chúng ta chỉ bán chưa đầy 50% giá thành dù đã nâng giá. Các nhà mạng đến tháng 9 vừa qua có trên 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có 19 triệu thuê bao dùng 3G.
Trong cước 3G chỉ nâng gói 3G data (truyền số liệu, internet). Trả lời câu hỏi khi nào Việt Nam có dịch vụ 4G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Đến 2015, sẽ ứng dụng 4G vào Việt Nam. Bộ TTTT đã cấp phép cho 1 số DN thử nghiệm dịch vụ này. Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư làm 3G khoảng 2 tỷ USD nhưng với số thuê bao hiện tại thì chưa đủ thu hồi vốn.
Xử lý nghiêm mạng “lá cải”
Tại phiên chất vấn, các ĐB đặt vấn đề hiện nay có tình trạng quá nhiều trang mạng theo xu hướng “lá cải”, mô tả chi tiết những câu chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục, mô tả tỉ mỉ tội ác, vụ án để thu hút lượng người đọc. Nhiều cơ quan báo chí đã kiến nghị xử lý các trang mạng vi phạm nhưng hiện nay tình trạng này vẫn không giảm bao nhiêu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói trách nhiệm quản lý các trang tin đó thuộc nhiều ngành. Riêng trong trách nhiệm của Bộ thì Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trang tin vi phạm như áp dụng chế tài xử phạt, thu hồi giấy phép. Bộ trưởng cũng nói các cơ quan quản lý báo điện tử, trang mạng cũng cần phải tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, định hướng báo đi đúng tôn chỉ, mục đích.
Nhiều đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí hiện nay được thực hiện chưa nghiêm túc. Nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng báo chí chính thống chưa đăng tải trong khi các trang mạng, trang cá nhân đã đăng khiến dư luận bàn tán. Thêm vào đó, việc thông tin của các trang mạng đôi khi không đúng sự thật để lại hậu quả rất tai hại trong khi báo chí chính thống lại quá chậm thông tin.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bắc Son giải thích do cơ quan báo chí cần thực hiện đúng quy chế phát ngôn, kiểm chứng nguồn tin nên thông tin đôi lúc chậm hơn các trang mạng. Bộ trưởng cũng xác nhận đúng là hiện nay có tình trạng nhiều cơ quan chưa thực hiện đúng nguyên tắc phát ngôn, quy chế cung cấp thông tin cho báo chí theo quyết định 25. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan cần thực hiện nghiêm túc quyết định 25, đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, đầy đủ.
Theo VOV, TTO