.

Tàu, thuyền bị thiệt hại do bão Nari: Hỗ trợ đúng đối tượng

.

(ĐNĐT) - Dù cơn bão số 11 (Nari) đã qua đi, song thiệt hại đối với số tàu, thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lên tới hàng tỷ đồng. Riêng tại quận Sơn Trà, ngoài thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng với số tàu, thuyền du lịch bị đánh chìm, 44 phương tiện mưu sinh khác của ngư dân cũng đã bị sóng cuốn trôi và làm hư hỏng, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.

Đề xuất hỗ trợ 26 ngư dân

Theo thống kê của phòng Kinh tế quận Sơn Trà, bão số 11 vừa qua đã làm 44 phương tiện khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn quận bị thiệt hại nặng, trong đó có 33 tàu cá, thuyền thúng có đăng ký và 11 thuyền thúng không có đăng ký.

b
Sửa chữa phương tiện chuẩn bị ra khơi sau bão số 11.

Bà Nguyễn Phương Mai, Phó trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà, cho biết, so với thiệt hại của cơn bão cùng có độ mạnh vào hồi năm 2006 thì thiệt hại gây ra cho tàu, thuyền lần này là ít hơn do người dân Đà Nẵng đã tự ý thức trong công tác chủ động phòng, chống, neo đậu trú tránh bão. Điều này thể hiện qua việc, ngay từ khi có yêu cầu, toàn bộ số tàu thuyền đều về bến hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm về nơi an toàn trú tránh.

Vấn đề này, Trung tá Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, cũng đồng tình và cho biết, công tác tuyên truyền, hướng dẫn và yêu cầu tất cả các phương tiện neo đậu trên sông Hàn về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang được đơn vị triển khai tốt nên 100% tàu thuyền sau khi được kêu gọi, sắp xếp đã về bến an toàn. Do đó, toàn bộ tàu cá của ngư dân được an toàn tuyệt đối.

Còn số tàu, thuyền thúng bị bão cuốn trôi mất tích và hư hỏng lần này, bà Mai và ông Dũng đều cho rằng, nguyên nhân là do khách quan. Nghĩa là số tàu, thuyền thúng này đều đã được ngư dân đưa vào bờ neo đậu an toàn song do cơn bão có cường độ mạnh nên đã kéo và cuốn trôi một số tàu, thuyền thúng ngược ra biển, gây thiệt hại.

Các ngư dân có tàu, thuyền bị thiệt hại do bão phải tạm ngừng sản xuất, tốn chi phí để khắc phục hậu quả, như: chi phí tìm kiếm phương tiện bị mất, sửa chữa…, trong khi thu nhập chính của các hộ gia đình này là từ khai thác hải sản nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Bà Mai cho biết, sau khi tiến hành khảo sát mức độ thiệt hại của từng hộ, hiện phòng Kinh tế quận đã lập danh sách gửi UBND quận để trình UBND thành phố xem xét có hướng hỗ trợ kinh phí cho 26 tàu, thuyền thúng của 26 hộ ngư dân nhằm giúp họ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. “Tất nhiên, chúng tôi rà soát kỹ và chỉ đề xuất hỗ trợ cho 26 tàu có chấp hành tốt về đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, neo đậu trú tránh bão đúng quy định. Như vậy, 18 phương tiện còn lại do không đủ điều kiện thì đương nhiên sẽ không có hỗ trợ”, bà Mai cho hay.

Mức hỗ trợ 26 ngư dân là hơn 80 triệu đồng, trong đó, có 1 thúng máy bị mất đề nghị hỗ trợ mức 7 triệu đồng; 5 phương tiện bị hư hỏng trên 50% đề xuất mức gần 30 triệu đồng và hơn 45 triệu đồng hỗ trợ số phương tiện còn lại bị hư hỏng.

Tàu bị chìm là do neo đậu trái quy định

Bà Mai cho biết, có 2 tàu du lịch neo đậu trên sông Hàn (phía quận Sơn Trà) bị sóng đánh chìm là chịu thiệt hại nặng nhất. “Tuy nhiên, các tàu này đều vi phạm quy định của UBND thành phố bởi neo đậu không đúng nơi quy định. Nếu các tàu này di chuyển tới trú bão ở Âu thuyền Thọ Quang trước khi cơn bão đổ vào thì chắc chắn đã không xảy ra những thiệt hại này”, bà Mai khẳng định.

Tàu du lịch Cát Tiên bị chìm và kéo theo
Việc trục vớt tàu du lịch Cát Tiên được tiến hành sau khi bão tan. Tại nơi tàu chìm, chỉ còn một phần chiếc áo phao nổi trên mặt nước.

Theo Trung tá Đinh Tiến Dũng, khi tiến hành cưỡng chế 5 tàu cá trên sông Hàn về nơi neo đậu thì chỉ có 4 tàu chấp hành, còn1 tàu cá của chủ tàu là bà Lê Thị Khá (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã bị xử phạt hành chính số tiền 3 triệu đồng do không chấp hành việc di chuyển trú bão theo yêu cầu. “Còn những tàu bị chìm đều là tàu du lịch neo đậu trên sông Hàn do không di chuyển mặc dù đã được cảnh báo và nhắc nhở trước đó. Vấn đề này có nguyên nhân là do sự chủ quan và ý thức chấp hành chưa nghiêm túc của các chủ tàu”, Trung tá Dũng nói.

Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố Đà Nẵng cũng cho hay, sau khi nhận tin về diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể, tiến hành phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố, Thanh tra của Sở Giao thông vận tải thành phố… kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu gần 100 tàu, thuyền của ngư dân còn neo đậu trên sông Hàn, đoạn từ cầu Rồng tới cửa sông Hàn vào nơi trú tránh an toàn.

“Hầu hết các tàu cá đều chấp hành tốt nên không có thiệt hại. Riêng tàu du lịch Cát Tiên Á Châu do neo đậu không đúng nơi quy định, khi bão vào đã bị sóng đánh mạnh, gây gãy 130m lan can đường Bạch Đằng và làm hỏng 6 trụ đèn chiếu sáng thì chúng tôi đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu này”, ông Tài cho hay.

Như vậy, có thể thấy rằng, phía các cơ quan chức năng đã cố gắng để làm tốt nhiệm vụ của mình nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và của cải người dân trước khi bão dữ đổ vào. Song, nhiều người do còn hạn chế trong ý thức và cả sự chủ quan nên sau khi để xảy ra thiệt hại mới tặc lưỡi “giá mà…” thì cũng đã muộn. Điều đáng nói ở đây là tất cả tàu thiệt hại nặng nhất lại là 5 tàu du lịch neo đậu trên sông Hàn.

Thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các chủ tàu, mà còn làm ảnh hưởng không ít tới ngành du lịch của Đà Nẵng. Mặc dù, ngành du lịch cũng đã có đề xuất lên UBND thành phố hỗ trợ mỗi tàu 10 triệu đồng nhằm giúp các chủ tàu khắc phục hậu quả và tiếp tục tái đầu tư vào phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới, song đây cũng coi như bài học sâu sắc cho các chủ tàu này.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.