Đề xuất tăng quy mô giường bệnh lên 1.200 giường
Chiều 5-11, Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố có buổi làm việc với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (XTĐT) thành phố. Tham dự có ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực HĐND và lãnh đạo các Ban Pháp chế, Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố, trong năm 2013, tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu phục hồi nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản từ các nước Trung Quốc, Thái Lan... Trong 10 tháng đầu năm 2013, có 35 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký gần 148 triệu USD và 13 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm hơn 167 triệu USD. Ngoài ra, có 23 dự án điều chỉnh nội dung đăng ký tại giấy chứng nhận đầu tư.
Có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố năm 2013, trong đó Singapore là nhà đầu tư lớn nhất (chiếm 68,62% tổng vốn đăng ký mới), tiếp đó là Nhật Bản (23,51%), Thái Lan (6,76%). Lũy kế đến ngày 31-10, thành phố đã thu hút được 278 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 3,3 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 1,67 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc thu hút FDI tại thành phố trong năm 2013 còn một số chưa thuận lợi, chủ yếu là về khu công nghiệp (KCN) như: Quỹ đất còn ít (68ha), hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu các nhà xưởng xây dựng sẵn phục vụ cho các dự án nhỏ và vừa, cảnh quan chưa được quan tâm.
Trong khi đó, hạ tầng Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin hầu như chưa có gì. Quỹ đất ngoài KCN để kêu gọi các dự án đầu tư về bệnh viện, trung tâm thương mại, trường học, logistics... tại thành phố chưa được quy hoạch cụ thể. Nguồn nhân lực còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ rất ít, năng lực sản xuất kém, năng lực tài chính hạn hẹp, hoạt động manh mún, rời rạc, thiếu sự liên kết. Bên cạnh đó, các hoạt động XTĐT của thành phố trong thời gian qua còn tản mạn, chồng chéo, chưa tập trung đầu mối, thiếu sự thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm XTĐT và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Mai Đức Lộc đề nghị, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả các doanh nghiệp FDI đã cấp phép và đang hoạt động tại thành phố để tạo niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường và chính sách đầu tư của thành phố; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tiếp cận trực tiếp và tích cực mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, công nghệ tiên tiến đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Úc... và các công ty đa quốc gia, đồng thời chú trọng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá lại các chính sách pháp lý, kết cấu hạ tầng, năng lực thị trường, thái độ ứng xử... để có hướng đi phù hợp trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, xem đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa; song song đó tạo bước đột phá trong công tác XTĐT bằng việc thiết kế các chuyến đi, các buổi hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo thành phố để kêu gọi đầu tư...
THÀNH LÂN
Với 1.010 giường kế hoạch, thực kê 1.672, nhưng hoạt động của Bệnh viện Đà Nẵng liên tục quá tải qua các năm, công suất giường luôn trên 161%. Nhu cầu tăng lên 1.200 giường để giải quyết phần nào quá tải và hạn chế bệnh nhân nằm ghép là một trong những đề xuất của lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH) HĐND thành phố vào sáng 5-11.
Bệnh viện Đà Nẵng hiện có 1.234 cán bộ, công nhân viên chức, trong đó có 275 bác sĩ. Qua 9 tháng đầu năm 2013, bên cạnh công suất giường bệnh, tất cả số lần khám, phẫu thuật, chụp XQ, CT-MRI, tiêu bản XN đều đã vượt so với kế hoạch năm. Là bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố, lại áp dụng nhiều chính sách miễn giảm đặc biệt cho một số loại bệnh mạn tính như chạy thận nhân tạo nên lượng bệnh nhân tập trung về Bệnh viện Đà Nẵng ngày càng nhiều, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người khám, trong đó ngoại tỉnh chiếm 30%.
Để giải quyết quá tải, ngoài việc tăng giường kế hoạch, Bệnh viện Đà Nẵng còn đề xuất được xây mới hoặc cải tạo nâng cấp những khu nhà đã xuống cấp và có thể đưa vào sử dụng vào quý 1-2014.
Một vấn đề lớn được Ban VHXH quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng thay đổi như thế nào sau khi áp dụng giá viện phí mới từ đầu năm 2013, thể hiện qua mức độ hài lòng, sự thụ hưởng điều kiện phục vụ và hiệu quả điều trị của người bệnh.
Theo Bệnh viện Đà Nẵng, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bệnh viện đã áp dụng nhiều cải cách, đáng kể là áp dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện, cải thiện tâm lý tiếp xúc, mở rộng hệ thống phòng khám, rút ngắn thời gian chờ khám và lấy kết quả xét nghiệm, trau dồi năng lực chuyên môn thể hiện qua việc làm chủ nhiều kỹ thuật cao chưa được triển khai tại khu vực miền Trung, hạn chế nằm ghép bằng cách giảm ngày điều trị trung bình, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới… Kết quả thăm dò qua phiếu về mức độ hài lòng của người bệnh đạt trên 90% trong các tháng trở lại đây.
Cũng tại buổi làm việc, một vướng mắc được đề cập là trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc theo quy định của Bộ Y tế, do lựa chọn thuốc trúng thầu có giá thấp nhất trong mỗi nhóm nên đã nảy sinh nguy cơ thiếu thuốc, đứt hàng, không bảo đảm cung ứng. Bệnh viện cũng đề xuất được phép thực hiện danh mục thuốc theo yêu cầu để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
THU HOA