Sáng 4-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu định hướng tại Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện có quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-Bắc Phi được tổ chức tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các nước tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Diễn đàn diễn ra từ ngày 4 đến 5-11-2013. Sau phiên khai mạc, Diễn đàn sẽ họp phiên tổng quan với chủ đề “Tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh” và 2 phiên chuyên đề với chủ đề “Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng” và “Hợp tác trong lĩnh vực lao động, nông nghiệp và du lịch.”
Diễn đàn là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, xác định phương hướng, lĩnh vực hợp tác kinh tế ưu tiên và đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-Bắc Phi.
Mặc dù xa cách về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Việt Nam có 12 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước Trung Đông-Bắc Phi và 15 nước trong khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.
Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-Bắc Phi tăng 878%, từ 889 triệu USD năm 2002 lên 7,4 tỷ USD năm 2012; trong đó, kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm. Nhiều doanh nghiệp của khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản...
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria. Hiện Việt Nam có khoảng 26.000 lao động đang làm việc tại các nước khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam. Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia Trung Đông-Bắc phi; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Trung Đông-Bắc Phi.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị diễn đàn tập trung thảo luận, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của mỗi nước, cũng như kinh nghiệm để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp của hai bên đầu tư, kinh doanh thành công vào thị trường của nhau.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cần đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả thực chất của các cơ chế hợp tác để Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Trung Đông-Bắc Phi hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vietnam+