.

Cạnh tranh lành mạnh đầu tư phát triển du lịch

.

Ngày 5-3, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chủ trì cuộc họp thẩm định các đồ án quy hoạch, kiến trúc và chọn địa điểm đầu tư xây dựng. Nhóm dự án quy hoạch đầu tư phát triển du lịch đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý sử dụng đất và giải quyết cạnh tranh lành mạnh.

Lãnh đạo thành phố theo dõi các phương án quy hoạch, đầu tư phát triển dự án mới tại cuộc họp. Ảnh: N.P
Lãnh đạo thành phố theo dõi các phương án quy hoạch, đầu tư phát triển dự án mới tại cuộc họp. Ảnh: N.P

Rà soát quy hoạch và sử dụng đất ở Hòa Phú

Những năm gần đây, dịch vụ du lịch sinh thái phát triển mạnh ở khu vực Hòa Phú, huyện Hòa Vang với nhiều dự án đầu tư. Các khu du lịch hình thành dọc theo tuyến quốc lộ 14G đoạn dốc Kiền và đã có các doanh nghiệp thành công như khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa, khu du lịch Hòa Phú Thành…

Để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái tại Hòa Phú, Công ty CP Đầu tư DHC lập kế hoạch đầu tư mở rộng dự án Khu du lịch Suối Đôi. Dự án có quy mô sử dụng đất 110,7ha và đề xuất mở rộng thêm 8,8ha với vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Dự án đầu tư phát triển mới có chồng lấn lên khu vực dự án Khu du lịch sinh thái của Công ty TNHH Tấn Đạt có diện tích 16,5ha và 10ha của Khu du lịch Hòa Phú Thành vừa được UBND thành phố chấp thuận nghiên cứu đầu tư. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), cho rằng: “Có vấn đề ở Sở Xây dựng bởi vừa lập báo cáo thẩm định quy hoạch và có chủ trương giao đất cho Hòa Phú Thành nay bất ngờ lập quy hoạch cho đơn vị khác”.

Chủ đầu tư dự án Khu du lịch Suối Đôi, ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DHC, cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn vốn 200 tỷ đồng để đầu tư vào dự án với mong muốn tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn suối nước nóng bằng sản phẩm du lịch và nước uống có chất lượng. DHC đã thương thuyết và mua lại cổ phần chi phối của Công ty TNHH Tấn Đạt tại dự án để khai thác nguồn suối nước nóng. Mặt khác, DHC sẽ thay thế Hòa Phú Thành khai thác 10ha vừa được UBND thành phố giao cho đơn vị này.

Đại diện Khu Du lịch Hòa Phú Thành phản bác yêu cầu này và đề nghị được đầu tư phát triển dịch vụ trượt thác để khai thác nhằm bảo đảm an toàn cho du khách. Ngược lại, nếu cả Hòa Phú Thành và DHC cùng khai thác dịch vụ trượt thác ở khu vực sẽ gây mất an toàn cho du khách bởi bất cập trong quy trình vận hành xả nước từ các hồ chứa.

Tình trạng giao đất phát triển du lịch khu vực xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đang diễn ra nhiều bất cập, manh mún và có hiện tượng sử dụng đất sai mục đích. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát quy hoạch, chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất sai mục đích khi giao đất trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp đã biến tướng chuyển sang mục đích làm dịch vụ du lịch. Đối với hai nhà đầu tư DHC và Hòa Phú Thành, cần được thi tuyển về ý tưởng đầu tư, lập kế hoạch sử dụng đất và năng lực đầu tư với yêu cầu cam kết dự án phải được triển khai trong năm 2014 để tạo ra sự lành mạnh trong việc thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Cuộc họp thẩm định dự án quy hoạch thiết kế đã thông qua quy hoạch sử dụng đất đối với Khu du lịch Non Nước do Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đầu tư tại phường Hòa Hải với quy định về mật độ xây dựng 40% diện tích, kiểm soát chiều cao công trình. UBND thành phố đồng ý điều chỉnh quy hoạch Khu TĐC đường Hoàng Văn Thái; điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Phước Tường theo hướng chỉnh trang và chuẩn bị quỹ đất nhà ở cho quân nhân Quân khu 5. UBND thành phố cũng đồng ý việc chọn địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở dưỡng lão, Trường mầm non Hòa Nhơn, Phòng Cảnh sát PCCC quận Thanh Khê, chợ Tân An, mở rộng xưởng may Hòa Quý…

Tranh luận đầu tư cảng cá và neo đậu tàu thuyền

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị UBND thành phố chọn địa điểm đầu tư cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền mới để thực hiện mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành trung tâm nghề cá và khai thác kinh tế biển. Để triển khai, dự án cần diện tích từ 20-30ha mặt nước, 2-3ha đất. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho biết, các khu vực ven sông, ven biển đã hết địa điểm để đầu tư phát triển cảng cá. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT, không đồng ý chọn địa điểm đầu tư cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão bởi lo ngại về sự ô nhiễm môi trường.

Không đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Hiện trạng của Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố. Theo đó, thành phố có 1.800 tàu thuyền công suất trên 12CV nhưng âu thuyền Thọ Quang chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu của 1.200 tàu thuyền. Do đó, 600 tàu thuyền của thành phố phải lang thang không nơi neo đậu. “Phát triển kinh tế biển phải đầu tư cảng cá, việc các tàu thuyền ngoại tỉnh về neo đậu đem lại nguồn lợi cho thành phố khi cung cấp nguyên liệu chế biến thủy sản; đồng thời, thành phố giải quyết thêm được việc làm, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Vấn đề ô nhiễm môi trường phải được nghiên cứu xử lý khi lập dự án đầu tư”, ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh. Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến giao Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, chọn địa điểm quy hoạch đầu tư dự án.

Trên thực tế, việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất khu vực cửa sông, cửa biển, nhất là khu vực vịnh Mân Quang đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển khu đô thị, khu du lịch. Việc đầu tư cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền mới trở nên nan giải.

Triển khai đầu tư các thiết chế văn hóa trong năm 2014

UBND thành phố đã đồng ý chọn địa điểm đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa tại phía tây cầu Thuận Phước. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xúc tiến nhanh việc chuẩn bị đầu tư các thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm Văn hóa, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi. Dự án phải có phương án thiết kế kiến trúc, tổ chức thi tuyển đề án, ghi vốn chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư ngay trong năm 2014. Mặt khác, xác định không vì nhiều tiền mà do dự đầu tư bởi những năm sau tiếp tục tăng thêm tỷ lệ vốn đầu tư phát triển văn hóa. Đối với Đình làng Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tiếp tục lấy ý kiến người dân để có phương án giữ  nguyên trạng hoặc mở rộng, nâng cấp.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.