.

Chống chèo kéo du khách

.

Hiện nay, các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và Hải Châu đều có tổ chuyên trách trật tự du lịch nhưng lực lượng còn mỏng và hoạt động thiếu chuyên môn.

Vì vậy, các địa phương thường phải huy động lực lượng khác tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự du lịch trên địa bàn quận mình. Đó là vấn đề được đưa ra tại cuộc họp ngày 7-3 triển khai công tác chống bu bám, chèo kéo khách du lịch trên địa bàn thành phố năm 2014 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh.

Cần bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và có chế tài xử phạt đối với các lái xe taxi. TRONG ẢNH: Một lái xe cung cấp thông tin cho khách tàu biển.
Cần bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và có chế tài xử phạt đối với các lái xe taxi. TRONG ẢNH: Điều hành viên hãng Vinasun cung cấp thông tin cho khách tàu biển.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70 đối tượng chuyên đeo bám, chèo kéo, cò mồi hoạt động trên các khu, điểm du lịch lớn của thành phố như danh thắng Ngũ Hành Sơn, đỉnh đèo Hải Vân và một số tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố. Đối tượng hoạt động rộng rãi, di chuyển nhiều nơi trên địa bàn thành phố, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng (thoát y, khiêu khích, gây gỗ, đánh nhau…) khiến công tác chống chèo kéo, đeo bám khách du lịch chưa được giải quyết tận gốc.

Taxi giành khách tàu biển

Mùa du lịch tàu biển năm nay ở Đà Nẵng được đánh giá là mùa “ăn nên làm ra” với nhiều chuyến tàu cao cấp liên tục cập cảng Tiên Sa. Để hỗ trợ thông tin cho khách tàu biển một cách nhanh chóng và thuận tiện, Sở VH-TT&DL đã bố trí quầy thông tin trước Nhà hát Trưng Vương để cung cấp cho du khách về các dịch vụ taxi, mua sắm, vui chơi, giải trí với đội ngũ sứ giả du lịch tận tình, có khả năng về ngoại ngữ. Thế nhưng tình trạng cò mồi, đeo bám khách du lịch, nhất là tình trạng taxi giành khách, làm giá vẫn thường xuyên diễn ra, khiến du khách có cái nhìn không tốt về hình ảnh du lịch thành phố. Ông Trần Lực, Giám đốc Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng cho hay: “Thực trạng taxi giành khách tàu biển đã xảy ra từ rất lâu nhưng chưa được giải quyết rốt ráo, gây khó khăn cho công tác đón khách của các hãng lữ hành. Khách tàu biển đa số là những vị khách khó tính nên chỉ cần một hành động không đúng sẽ khiến họ không hài lòng và dĩ nhiên họ sẽ không bao giờ quay trở lại thành phố lần thứ hai”.

Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3 hãng taxi chuyên phục vụ đón khách tàu biển là Mai Linh, Vinasun và Tiên Sa. Theo quy định của Sở VH-TT&DL, khi có tàu cập cảng, mỗi hãng taxi sẽ đón một chuyến tàu biển theo trình tự xoay vòng. Tuy nhiên, nhiều lái xe không có lịch đón tàu của hãng mình nhưng vẫn bu bám ở trước Nhà hát Trưng Vương để chèo kéo khách, làm giá dịch vụ.

Ngoài ra, một số đối tượng cò mồi đã móc nối với các lái xe taxi để tranh giành khách, gây ra tình trạng lộn xộn khi có khách tàu biển đến tham quan tại thành phố. Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện có khoảng 12-15 đối tượng cò mồi taxi khách tàu biển hoạt động hết sức liều lĩnh. Theo ghi nhận của các hãng lữ hành, khách tàu biển ngoài theo tour tham quan một số điểm du lịch của Đà Nẵng thì lượng khách còn lại tự đi bộ tham quan, mua sắm tại các khu vực trung tâm thành phố. Những vị khách này thường bị quấy rầy bởi các gánh hàng rong và lọt vào tầm ngắm của các lái xe taxi. Để hạn chế tình trạng này, mỗi khi có tàu biển, UBND quận Hải Châu điều động lực lượng trong tổ chuyên trách cắm chốt tại Nhà hát Trưng Vương. Thế nhưng, do địa bàn rộng nhưng lực lượng mỏng nên khó khăn trong việc giải quyết một số trường hợp đeo bám, chèo kéo khách du lịch.

Vẫn còn những “điểm nóng”

Thành phố đã công nhận đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch từ hơn 1 năm nay, nhưng hiện việc cắm bảng điểm du lịch vẫn chưa triển khai khiến công tác quản lý của UBND quận Liên Chiểu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự “giằng co” trách nhiệm giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc quản lý các hộ kinh doanh, buôn bán trên đỉnh đèo Hải Vân theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” khiến các đối tượng cò mồi, chèo kéo hoạt động ngày càng lộn xộn hơn.

Theo quy định của UBND quận Liên Chiểu, hiện mỗi hộ kinh doanh tại đỉnh đèo Hải Vân chỉ được bố trí 2 người bán hàng có đeo thẻ, đồng phục và giá cả phải được niêm yết rõ ràng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các lực lượng chức năng, những hộ kinh doanh này vẫn chứa chấp các đối tượng cò mồi, tạo điều kiện cho họ đeo bám, chèo kéo khách du lịch. “Việc cắm chốt để quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán trên đỉnh đèo Hải Vân hiện nay vẫn còn hạn chế do địa bàn du lịch tại đây hết sức khó khăn và chưa có nơi trú trực cho các lực lượng chức năng”, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết.

Một số khu, điểm du lịch như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, trung tâm thành phố… cũng được xem là điểm nóng của tình trạng bu bám và chèo kéo khách. Hiện nay, các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và Hải Châu đều có tổ chuyên trách trật tự du lịch nhưng lực lượng còn mỏng và hoạt động thiếu chuyên môn. Vì vậy, các quận thường phải huy động lực lượng khác tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự du lịch trên địa bàn quận mình. “Việc bảo đảm môi trường du lịch trên địa bàn quận thường giao cho đội quy tắc đô thị trong khi lực lượng này lại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Vì vậy hầu như anh em phải làm từ sáng sớm đến tối mà kinh phí hết sức hạn chế. Hầu như mấy chục con người trong đội quy tắc đô thị quận phải huy động hết để bảo đảm môi trường du lịch trên địa bàn quận trong khi lực lượng công an phường hoạt động khá mờ nhạt”, bà Trần Thị  Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đánh giá cao công tác chống chèo kéo và bu bám du khách của các lực lượng chức năng trong thời gian qua, góp phần đưa hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện và hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động thường xuyên, đòi hỏi sự phối hợp cụ thể và hiệu quả giữa các ngành chức năng và các địa phương, đặc biệt đội cảnh sát trật tự thành phố phải tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, không thể phó mặc cho đội quy tắc đô thị của các quận, huyện. Đồng chí Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các khu, điểm du lịch cần phải niêm yết giá công khai, bảo đảm chất lượng dịch vụ để tạo tâm lý tốt cho du khách khi đến du lịch tại thành phố.

Các hãng taxi phải tham gia tích cực với Sở VH-TT&DL, Sở Giao thông vận tải nhằm hạn chế tình trạng bu bám, chèo kéo khách, đặc biệt là hạn chế tình trạng làm giá xảy ra gây bức xúc cho du khách lâu nay. Về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động du lịch, đồng chí yêu cầu các quận, huyện tùy theo đặc điểm của địa phương lập kinh phí lên Sở VH-TT&DL để trình UBND thành phố phê duyệt, đồng thời các địa phương cũng cần phải cân đối trong việc chi, thu ngân sách để hỗ trợ phát triển du lịch, góp phần đưa ngành công nghiệp mũi nhọn này trở thành 1 trong 5 hướng đột phát kinh tế trong thời gian tới.

Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng và tịch thu tang vật đối với các hành vi bu bám, chèo kéo và cò mồi khách du lịch.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.