.

Bấp bênh cây mía Hòa Bắc

.

Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước giải khát từ mía  tăng mạnh, thế nhưng người trồng mía xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) - nơi cung cấp nguồn mía chính cho Đà Nẵng lại đang đứng trước nỗi lo mất giá và sản lượng sụt giảm bởi nhiều lý do.

Những ruộng mía thất thu không chỉ do thời tiết mà còn bị chuột phá hoại.
Những ruộng mía thất thu không chỉ do thời tiết mà còn bị chuột phá hoại.

Mất mùa lại mất giá

Hòa Bắc tháng 4. Những ruộng mía bạt ngàn dọc theo con sông Cu Đê đang bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng nhiều nông dân tỏ ra không vui bởi trong khi mía mất mùa, giá cả còn bị ép xuống. Dẫn chúng tôi ra ruộng mía của mình, ông Trương Anh (trú thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) buồn rầu nói: “Cả năm mới được một vụ, trời hết mưa lại nắng nên cây mía cũng không chịu nổi, thân thì khẳng khiu, lá vàng, ngọn khô từng đám chỉ còn chút phần đuôi thôi. Trước đây thương lái mua cả đám có cây lớn cây nhỏ nhưng gần đây họ lựa những cây loại 1-2, còn cây xấu bỏ lại, mình cũng không bán được. Đã vậy họ mua xong mang về bán mới trả tiền cho nông dân”.

Bà Nguyễn Thị Nhị (vợ ông Anh) ngồi tính, nhà trồng khoảng 18 sào mía (1ha = 20 sào) vụ này ước thu được 50 - 60 triệu đồng, nhưng trừ hết các khoản chi phí như ngọn giống, phân bón, tiền trâu cày bừa, công cán, lời lãi chỉ chừng một nửa. Cũng chừng đó diện tích mía, 3 - 4 năm trước người trồng thu về cỡ 80 triệu đồng nhưng hiện tại chỉ được 50 triệu đồng (chưa trừ chi phí).   

Vụ mía năm 2013-2014 này, toàn xã Hòa Bắc có khoảng 300 hộ trồng mía với diện tích trên 90ha, chủ yếu ở các thôn Phò Nam, Nam Yên, Nam Mỹ. Hiện các chủ thu mua tại cánh đồng chỉ trả trên dưới 50.000 đồng/bó (1 bó khoảng 25 cây mía), trong khi từ đây về Nam Ô (quận Liên Chiểu) những người mua lại phải trả 70 – 100.000 đồng/bó. Cây mía mới từ ruộng lên bờ đã thấy sự chênh lệch khá lớn về giá cả. Mỗi năm giá nhân công, phân bón đều tăng nhưng giá mía thì đứng yên.

Lý giải về việc mất giá của mía Hòa Bắc, ông Nguyễn Đình Tuấn (trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), một trong những người thu mua mía chính vùng này nhận định: Mọi năm, mía từ Quảng Ngãi, Phú Yên chỉ chiếm khoảng 10-20% thị trường tiêu thụ tại Đà Nẵng thì từ tháng Giêng năm nay đã lên đến 70%, ép mía của Hòa Bắc xuống chỉ còn khoảng 30%. Nguyên nhân được ông Tuấn đưa ra là hiện mỗi bó mía của Quảng Ngãi cân nặng khoảng 35 - 40kg với giá 75.000 đồng, đến tay người bán lẻ cho ra 100 ly nước mía thì cũng với giá tiền đó, mía của Hòa Bắc chỉ cân nặng khoảng 28-30kg và cho ra khoảng 60 ly. Lượng mía của Quảng Ngãi cạnh tranh mạnh trên thị trường Đà Nẵng là do giống mới, cây mềm, màu sắc đẹp nên thu hút người bán lẻ. Giống mía của Hòa Bắc hiện nay chủ yếu là F134, nước ngọt thanh, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng nhưng màu sắc không bắt mắt, lượng nước thấp. Người trồng cũng thừa nhận, mưa lũ là một trong những nguyên nhân khiến cây mía Hòa Bắc năm nay tệ hơn về hình thức.

Mong được hỗ trợ

Ông Tuấn nhìn nhận: Việc nâng cao chất lượng cây mía thời gian qua chưa được người trồng chú trọng, chỉ mới khoảng 20% làm ăn bài bản, còn lại chỉ là “được chăng hay chớ”, chưa có sự đầu tư về giống và chăm sóc. Vì vậy, để cạnh tranh ngay tại “sân nhà”, cần có giải pháp nâng cao chất lượng giống mía và quy trình trồng mía, từ đó nâng cao năng suất và nhất là chất lượng mía cho đồng mía truyền thống Hòa Bắc. Thực tế, hiện nay nhiều hộ trồng mía không lựa chọn giống mà lấy lại ngọn mía chủ buôn thu hoạch rồi bán lại để trồng. Cây to nhỏ, cao thấp đều được giữ lại đọt để trồng, như vậy nếu đầu vào cây giống không được lựa chọn kỹ thì đầu ra cũng không thể khá hơn. Sau một thời gian dài gắn bó với loại cây này, một số hộ như ông Sáu, bà Phúc (thôn Phò Nam) chịu không thấu phải bỏ nghề trồng mía.

Ông Đỗ Viết Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc cho hay: Mấy năm gần đây, bà con trồng mía than phiền loại cây này bấp bênh đầu ra, năng suất không cao. Xã cũng định hướng cho bà con hạn chế giống mía F134 mà tăng trồng mía rốc, hoặc chuyển đổi sang những loại cây trồng khác như bắp, đậu, ớt… Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn cứ bám mía vì cho rằng những cây khác ít vốn nhưng bỏ công sức nhiều.

Do vậy, dù giá cả bấp bênh, mùa màng thất bát nhưng số hộ cũng như diện tích trồng mía cũng không giảm nhiều so với những năm trước bởi người dân chẳng biết làm gì hơn. Nhiều nông dân bày tỏ nguyện vọng: Chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ hơn nữa đối với nông dân trồng mía. Cụ thể, nếu có được HTX thu mua mía dù giá thấp hơn thị trường nhưng sẽ giúp bà con bớt nỗi lo phập phồng về giá trong mỗi mùa vụ. Có “bà đỡ” đứng đằng sau, cây mía sẽ nâng cao hơn chất lượng, có đầu ra ổn định và giúp nông dân duy trì sản xuất bởi vì mía là cây trồng truyền thống gắn bó với bà con hàng chục năm nay.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.