Trước tình hình bất ổn tại Biển Đông vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã thực hiện kế hoạch đa dạng hóa thị trường về nguyên, phụ liệu do các DN Trung Quốc (TQ) hạn chế ký kết các đơn hàng dài hạn. Theo đó, các DN Việt Nam, trong có Đà Nẵng chuẩn bị nhiều phương án để chủ động sản xuất, kinh doanh.
Thị trường nguyên, phụ liệu chuyển hướng, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp kết nối cung cầu trong nước. |
Nhiều DN cho biết, ưu tiên hiện tại vẫn là thị trường nội địa, dù tỷ lệ xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm khá lớn vào thị trường TQ. Đặc biệt là ngành dệt-may đứng đầu bảng về nhập khẩu từ TQ. Đơn cử như Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ (Dệt-may Hòa Thọ) hiện có đến 60% nguyên, phụ liệu dệt-may được nhập khẩu từ TQ, do nguyên liệu vải của TQ đa dạng về mẫu mã, màu sắc, giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp. Thế nhưng, để tránh rủi ro, gần đây, Dệt-may Hòa Thọ tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới.
Bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc Dệt-may Hòa Thọ cho biết: Chúng tôi đã tìm nguyên liệu thay thế ở trong nước và các thị trường khác để giảm dần tỷ lệ nhập khẩu từ TQ. Nếu như trước đây, nguyên liệu vải sản xuất thời trang thị trường nội địa chủ yếu nhập từ TQ, thì hiện nay Dệt-may Hòa Thọ tìm nhập từ Ấn Độ và Thái Lan và sắp tới sẽ ký kết nhập vải với các khách hàng từ Indonesia.
Đối với nguyên liệu vải kinh doanh hàng xuất khẩu, công ty cũng đã có nhiều giải pháp như nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản, châu Âu. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh phương thức kinh doanh mua đứt bán đoạn, sử dụng nguyên liệu từ một số nước châu Á. Đối với những nguyên liệu còn lại, chúng tôi chuyển sang các nhà cung cấp uy tín trong nước.
Công ty CP Dệt-may 29-3 cũng rút ra kinh nghiệm là trước đây phải phụ thuộc khá lớn trong việc mua nguyên, phụ liệu dệt-may chủ yếu từ khách hàng Mỹ. Mặc dù khách hàng này khá uy tín và cung ứng tốt, nhưng đề phòng bị ép giá và rơi vào thế bị động, công ty đã nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, trong đó có TQ. Hiện tại, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt-may từ quốc gia châu Á này chiếm từ 20-30% cơ cấu nguyên phụ liệu nhập khẩu của công ty.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch công ty cho hay: “Đây là một tỷ lệ không quá lớn, vì vậy, DN quyết định tìm kiếm thêm thị trường. Hiện nguyên liệu sợi của công ty nhập khẩu từ Ấn Độ, thiết bị thì nhập của Đức và hóa chất nhập của Malaysia. Riêng nguyên liệu vải thì sử dụng chủ yếu ở trong nước, cố gắng để giảm tỷ lệ nhập khẩu ở TQ vì như vậy sẽ bền vững và ổn định hơn, không lo nguồn cung thiếu hụt”.
Nhìn lại mối quan hệ đối tác của các DN, rõ ràng không chỉ có ngành dệt-may mà nhiều ngành khác cũng đang lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu ở TQ, như da giày, thiết bị cơ khí, săm lốp cao su, vật liệu xây dựng… Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, một khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Thực tế thời gian qua, không ít DN chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam đã “sống dở chết dở” vì bị tư thương TQ ép giá, thao túng, thậm chí bất ngờ dừng nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) lưu ý: “Các DN miền Trung cần quan tâm đến thị trường TQ, không vì những vướng mắc trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội kinh doanh là bạn hàng truyền thống đã xây dựng được từ lâu. Nên tin tưởng rằng đội ngũ tham tán thương mại ở các nước luôn sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ các DN, các Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương”.
Theo Sở Công thương thành phố, hiện Đà Nẵng có 25 doanh nghiệp giao thương với Trung Quốc, trong đó hơn một nửa là doanh nghiệp FDI. Giá trị xuất khẩu là 8%, nhập khẩu 11% trong toàn bộ giá trị xuất nhập khẩu toàn thành phố. Trong đó, dệt may chiếm đa số mặt hàng, từ thiết bị, đến nguyên liệu vải, hóa chất, thuốc nhuộm, kế đến là cao su, thủy sản và một số ngành nghề khác… |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH