.
Đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá

Bài cuối: Hướng đến mô hình sản xuất khép kín

.

Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, Đà Nẵng đã xác định hướng đi của mình mà điểm nhấn là đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ; trong đó, phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn để vươn khơi. Tuy nhiên, kèm theo đó, cần phải đầu tư ngành dịch vụ hậu cần nghề cá một cách tương xứng và toàn diện.

Cần phải đầu tư ngành hậu cần nghề cá một cách đồng bộ.  Trong ảnh: Tàu SANG FISH 01 vừa làm dịch vụ hầu cần, vừa làm nghề đánh bắt hải sản.
Cần phải đầu tư ngành hậu cần nghề cá một cách đồng bộ. Trong ảnh: Tàu SANG FISH 01 vừa làm dịch vụ hầu cần, vừa làm nghề đánh bắt hải sản.

Bảo đảm “sân sau” cho ngư dân

Để phát triển ngành thủy sản theo quy mô từng bước hiện đại, thành phố Đà Nẵng cũng đã quan tâm đến “sân sau” - tức là nơi neo đậu, bãi đậu đỗ ô-tô, chợ, khu công nghiệp chế biến… (PV). “Sắm 1 ô-tô để thu mua hải sản, cung cấp sản phẩm phải có bãi đỗ. Tàu vào bờ cũng phải có nơi đậu và phải có khu cảng cá, bến cá thực sự hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố nói.

Để làm được điều đó, những năm qua, Đà Nẵng đã quy hoạch và xây dựng một khu công nghiệp thủy sản tập trung, bến cá, chợ đầu mối, khu phục vụ dịch vụ cho ngư dân. Trong quy hoạch tổng thể này, Đà Nẵng có chợ đấu giá. Tuy nhiên, vì còn có những khó khăn nhất định nên hiện tại vẫn chưa thể triển khai, nhưng trong tương lai sẽ tổ chức thí điểm. Và khi triển khai, sẽ giải quyết được chuyện ép giá của đầu nậu đối với ngư dân, đồng thời sẽ đồng bộ hóa hiện đại các khâu từ đánh bắt, vận chuyển, bảo quản cá sao cho có chất lượng mới có thể tham gia đấu giá.

Hiện tại, khu Âu thuyền Thọ Quang đang quá tải, những ngày có nhiều tàu cập cảng thì âu thuyền trở nên chật cứng. Chưa kể những khi bão gió thì việc neo đậu tàu thuyền gặp không ít khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua thành phố đang tìm địa điểm để mở rộng Âu thuyền Thọ Quang nhằm đáp ứng nơi neo đậu của tàu thuyền Đà Nẵng cũng như một số tỉnh miền Trung. Dự kiến trong tương lai, âu thuyền này sẽ được mở rộng ra phía vịnh Mân Quang; tạo  thuận lợi cho những con tàu vỏ thép cỡ lớn đến neo đậu và trú tránh bão.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nếu phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá như hiện nay ở Đà Nẵng thì sẽ đối chọi với sự phát triển của ngành du lịch; bởi ngành du lịch cần môi trường trong lành trong khi nghề cá lại khiến môi trường xấu đi. Ông Nguyễn Đỗ Tám giải thích: “Ở Hàn Quốc, họ có một cảng cá nằm ngay trung tâm thành phố và trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Phía trên chợ hải sản có khu ẩm thực, du khách vừa thưởng thức món ngon, vừa ngắm cảnh tàu thuyền vào ra bến cảng. Họ làm được sao ta không làm được? Và khi làm được điều này, nó sẽ hỗ trợ cho ngành du lịch một cách tích cực”.

Sản xuất theo quy trình khép kín

Thành phố Đà Nẵng hiện nay có gần 2.000 phương tiện, trong đó có khoảng 242 tàu cá có công suất trên 90CV, gần 100 tàu cá trên 400CV hoạt động đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và các ngư trường lớn khác. Hằng năm, đội tàu khai thác thủy sản khai thác được 37.000 - 40.000 tấn hải sản các loại phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

“Mong muốn của ngành hậu cần là phải phát triển một cách quy mô, ra tận biển xa, thực sự cung ứng, thu mua và có mối liên kết, phân chia lợi nhuận giữa hai bên rõ ràng. Ngành hậu cần nghề cá của Việt Nam bây giờ chỉ là sự mua bán trên biển, chưa có liên kết, chưa có sự thông báo giá cả trên bờ đối với ngư dân trên biển nên lợi nhuận của người sản xuất chưa cao”, ông Nguyễn Đỗ Tám nhận định.

Thuyền trưởng Lê Văn Sang cho biết, để làm ăn được thì các chủ tàu cá phải thay đổi tư duy, không thể làm ăn nhỏ lẻ. Nếu chưa có điều kiện để đóng tàu hậu cần lớn thì các ngư dân phải cùng nhau liên kết thành nhóm sản xuất. “Hôm nay người này gom cá về bán rồi chở nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra cho tổ. Cứ thay phiên nhau như vậy thì chất lượng hải sản sẽ được bảo đảm, ngư dân có thời gian bám biển dài ngày. Riêng nguyện vọng của tôi trong tương lai là xây dựng đội tàu hậu cần gia đình hùng hậu, để làm sao đưa kịp con cá, con mực về đất liền một cách tươi ngon, tạo thương hiệu cho ngành thủy sản thành phố”, Lê Văn Sang chia sẻ.

Trong khi đó, hiện thành phố Đà Nẵng đang có một công ty dự định xây dựng mô hình khép kín: khai thác, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Hiện tại, doanh nghiệp này đã liên kết với 17 chủ tàu hoạt động, sản xuất cùng ngành nghề để làm ăn. Khi các tàu đánh cá khai thác được sản lượng sẽ liên hệ với công ty này để thu mua sản phẩm chở về đất liền, đồng thời tàu của công ty cung cấp lại nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tàu ngư dân bám biển dài ngày. Điều đáng nói, phía công ty sẽ thông báo giá cả ở đất liền cho ngư dân một cách minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin cho họ.

Được biết, hiện tại, công ty trên đã có 2 nhà máy chế biến thủy sản. Thời gian đến, họ sẽ đầu tư 2 tàu hậu cần loại lớn dựa vào nguồn hỗ trợ tín dụng từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Nếu dự án thành công, sản lượng cá sẽ không bị ứ đọng, chất lượng sản phẩm và giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản sẽ được nâng lên trên thị trường quốc tế. “Phấn đấu của ngành thủy sản thành phố Đà Nẵng là làm sao thu nhập của ngư dân được tăng lên, tính mạng bà con ngư dân được bảo đảm an toàn và nguồn lợi thủy sản được bảo vệ. Và, điều quan trọng hơn nữa là ngư dân góp phần tích cực trong việc bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Đỗ Tám tin tưởng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.