ĐNĐT - Thị trường tiêu thụ vẫn còn nhỏ bé, sức mua thấp, chưa có trung tâm mua sắm lớn, việc gắn kết giữa ngành thương mại với du lịch chưa tốt.
Đây là những hạn chế trong phát triển dịch vụ ở Đà Nẵng mà Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Công thương về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở Công thương. |
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2014 của Đà Nẵng ước đạt 71.750 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt 1.350 triệu USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực từ nhóm hàng nông sản, thủy sản sơ chế, thô sang nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã mở rộng được quy mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như: dệt may, thủy sản, thiết bị điện, điện tử… Thị trường xuất khẩu hàng hóa của thành phố từ chỗ 100 nước và vùng lãnh thổ năm 2011, đến nay có trên 120 nước và vùng lãnh thổ.
Ngành Công thương đã tập trung thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm ngày càng thu hút sự hưởng ứng của các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn thành phố cùng sự quan tâm của người tiêu dùng, và được thương mại hóa, mang lại một phần doanh thu cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành thương mại vẫn còn tồn tại một số mặt như: Việc triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, chương trình… đã được phê duyệt chưa được toàn diện và chưa đạt kết quả mong muốn; chưa được bố trí kinh phí riêng về Đề án phát triển dịch vụ để triển khai thực hiện; việc phối hợp giữa các ngành trong quá trình triển khai, thực hiện còn rời rạc, thiếu tính liên kết.
Mô hình chợ đêm, phố đêm tại Khu thương mại Vĩnh Trung Plaza đi vào hoạt động cuối năm 2012 nhưng do trong bối cảnh suy thoái kinh tế nên không thu hút đông đảo nhân dân mua sắm, sức mua thấp, hiệu quả kinh doanh không cao nên tạm ngừng hoạt động. Nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu hàng hóa của thành phố phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn hạn chế, nhất là công tác xúc tiến thị trường nước ngoài, thị trường xuất khẩu trọng điểm…
Tại buổi làm việc, Sở Công Thương đề nghị thành phố bố trí kinh phí thỏa đáng cho các tiểu đề án thuộc Đề án dịch vụ đã được xây dựng, hoàn thành và nghiệm thu; đẩy mạnh hoạt động thương mại, hoạt động xuất khẩu, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường EU, Nhật, Mỹ; xem xét lại chủ trương sáp nhập Trung tâm Xúc tiến Thương mại vào Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Du lịch.
Ngoài ra, Sở đề nghị xem xét bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, gia cố Trung tâm Hội chợ triển lãm; quan tâm quy hoạch bố trí thêm các điểm bán sản phẩm lưu niệm tại các khu du lịch, tuyến đường du lịch để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của thành phố; đầu tư xây dựng Chợ Đầu mối kinh doanh gia súc, gia cầm và nông sản tại cửa ngõ phía Nam thành phố…
Để khắc phục những điểm yếu trên, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị trong thời gian tới, ngành Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng đội ngũ làm công tác xúc tiến chuyên nghiệp, có kiến thức, năng động, sáng tạo, sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Đồng thời, chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa của thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì các chợ truyền thống; tham mưu tốt cơ chế chính sách, đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thông qua kích cầu, giảm giá, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; tăng cường phối hợp các ngành trong phát triển dịch vụ thương mại, nhất là với ngành du lịch; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng…
Tin và ảnh: Đoàn Lương