.

Miền Trung dồn sức "cất cánh"

.

ĐNĐT - Ở một dải đất còn gặp nhiều khó khăn, bất lợi, chính quyền các tỉnh, thành duyên hải miền Trung phải ra sức vận dụng sáng tạo các chiến lược phát triển để phát huy vai trò, sức mạnh địa phương. Tuy nhiên, để miền Trung "cất cánh", sẽ còn rất nhiều rào cản cần vượt qua, trong đó, nếu không liên kết chặt chẽ, đồng bộ, sẽ khó mang về lợi ích chung cho toàn vùng.

Một khi thế mạnh của các tỉnh miền Trung là biển, rõ ràng không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt địa phương ven biển chọn mô hình phát triển đô thị biển đẳng cấp cao là một xu thế tất yếu.
Một khi thế mạnh của các tỉnh miền Trung là biển, không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt địa phương ven biển chọn mô hình phát triển đô thị biển đẳng cấp cao là một xu thế tất yếu.

Vượt qua lợi ích cục bộ

Không ai phủ nhận, vùng duyên hải miền Trung đã có sự “lột xác” đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây. Song cũng do đặc thù của vùng đất mà các tỉnh còn nặng về tư duy cục bộ địa phương.

PGS-TS.Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: Trong tư duy phát triển vùng, các lãnh đạo tỉnh đều cố gắng bảo đảm các nguyên tắc: Tận dụng lợi thế (với miền Trung luôn luôn là cảng biển); không gây xung đột với sự phát triển du lịch; tuân thủ nguyên tắc hướng tới đẳng cấp cao (của du lịch và công nghiệp). Thế nhưng, sự phụ thuộc vào lợi ích ngắn hạn và khuynh hướng xung đột là khó tránh khỏi. Một chuyên gia kinh tế đã từng gọi những xung đột mang tính lợi ích cục bộ bằng cái tên “cuộc chạy đua cùng đưa nhau xuống đáy”, khi tỉnh nào cũng đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế.

Một trong những hạn chế lớn nhất của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) là thiếu sự liên kết để phát triển. Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là “do các tỉnh cùng có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển công nghiệp, kinh tế biển và du lịch - dịch vụ nên dẫn đến sự cạnh tranh về chính sách thu hút đầu tư, gây bất lợi cho lợi ích chung của vùng cũng như cho từng tỉnh, thành”.

Một khi thế mạnh của các tỉnh miền Trung là biển, rõ ràng không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt địa phương ven biển chọn mô hình phát triển đô thị biển đẳng cấp cao là một xu thế tất yếu. Ông Thiên đã dự báo định hướng này chỉ thành công với hai điều kiện. Một là lãnh đạo các tỉnh, thành phải vượt qua được áp lực và lợi ích cục bộ ngắn hạn (thu ngân sách và tạo việc làm chất lượng thấp). Hai là phải có chế tài cấp vùng đủ mạnh và đủ hiệu lực để đảm bảo sự tuân thủ lợi ích chiến lược của vùng. Điều kiện thứ hai chỉ có được với sự can thiệp của Trung ương theo cách đặt ra chế tài vùng hoặc thiết lập thể chế điều hành cấp vùng đủ quyền lực và dựa trên các khuyến khích lợi ích thực tiễn phù hợp.

Thực tiễn miền Trung có thể vượt qua được thách thức này. Bằng chứng là một số địa phương đã xác lập được tầm nhìn xa đúng đắn, nhờ đó nhận diện chính xác lợi ích căn bản dài hạn để có những lựa chọn đúng. Điển hình như Khánh Hòa đã từ chối cảng biển - thương mại, chọn phát triển cảng - du lịch đẳng cấp cao. Hay như Đà Nẵng, cách đây vài năm cũng đã từ chối các dự án đầu tư tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm, trong đó có cả dự án hấp dẫn cả tỷ USD để giữ vững định hướng phát triển du lịch - dịch vụ đẳng cấp của mình. Và hiện nay Đà Nẵng vẫn “kiên cường trụ vững” với cách phát triển này. Tuy vậy, thách thức vẫn rất lớn đối với các tỉnh, thành miền Trung. 

Cho đến nay, dù 9 tỉnh duyên hải miền Trung đã tự nguyện liên kết với nhau, đã làm được khá nhiều việc theo hướng liên kết tạo sức mạnh phát triển, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. Song cũng như cả nước, miền Trung vẫn chưa có một thể chế chính thức, chính danh nhà nước để tổ chức, điều hành quá trình liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả, trên cơ sở một quy hoạch vùng tốt theo nghĩa có tầm nhìn chiến lược (xa và tổng thể) và đảm bảo kết hợp tối ưu lợi ích phát triển của các chủ thể tham gia.

Quyết tâm của các địa phương

Được xem là “đầu tàu” của miền Trung, chính quyền Đà Nẵng hướng đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng quy mô kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 11-12%/năm. Qua đó, đưa Đà Nẵng trở thành thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp quốc tế theo hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với kế hoạch xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại. Xây dựng thành phố cảng biển là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế, nâng cấp sân bay Đà Nẵng thành Cảng hàng không quốc tế với lưu lượng 6 triệu khách/năm vào năm 2020.

Đồng thời, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng khu vực miền Trung, trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao, thu hút đầu tư vào các Khu công nghệ Cao, Khu CNTT tập trung; phát triển các ngành, các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường…

Xác định phát triển những “mũi nhọn” trên nhưng không nằm ngoài sự phát triển chung của vùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết: Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung, đi sâu hỗ trợ cho từng tỉnh, thành phố trong vùng ở một số lĩnh vực cụ thể như: đầu tư, khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, chế xuất một cách hiệu quả; liên kết phát triển du lịch; phối hợp khai thác đánh bắt hải sản, chế biến hải sản... và trước mắt ưu tiên lĩnh vực du lịch và công nghiệp.

Chia sẻ về điều kiện phát triển của địa phương, ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho hay: Tỉnh đang nắm bắt cơ hội khi chín muồi và tập trung vào các khâu đột phá. Tỉnh đã được Chính phủ cho phép thuê Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Tập đoàn Arup (Anh) quy hoạch tổng thể đến năm 2020 nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến Việt Nam trong tương lai” với kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế xanh.

Và để thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh, Ninh Thuận đã thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình Văn phòng phát triển kinh tế (EDO). Đây là mô hình mới và đầu tiên trong cả nước được xây dựng theo mô hình Ban phát triển kinh tế (EDB) của Sigapore. Các nhà đầu tư khi đến với Ninh Thuận chỉ tiếp xúc với EDO để thực hiện các thủ tục đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối. Và cách làm mới này đã khẳng định được thương hiệu của tỉnh, được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao.

Hiện nay các tỉnh, thành miền Trung đang nỗ lực vươn lên trở thành vùng kinh tế có công nghiệp gắn với cảng biển, du lịch - dịch vụ cao cấp như Thừa Thiên Huế (có di sản Cố đô), Quảng Nam (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Hội An), Quảng Ngãi (Khu Kinh tế Dung Quất), Bình Định (Khu Kinh tế Nhơn Hội), Đà Nẵng (định hướng công nghiệp - công nghệ cao)… Mỗi tỉnh, thành đều có sự lựa chọn khác biệt để tránh sự lập lại, đầu tư dàn trải, nhưng nhìn chung đều có sự gắn kết, ảnh hưởng nhất định đến vị thế của nhau.

Vì thế, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất: “Chúng ta đã hình thành Ban Điều phối vùng, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, cần thực hiện liên kết vùng trong các lĩnh vực chủ yếu như sử dụng hạ tầng chung, phát triển các sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư dựa trên lợi thế của từng địa phương. Cơ quan điều phối phải thực sự có quyền và có thể tham gia đề xuất với Trung ương những chủ trương liên quan đến toàn vùng”.

Duyên Anh - Thu Hà

;
.
.
.
.
.