Ngư dân ở Đà Nẵng ngóng chờ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ, chính thức có hiệu lực từ hôm nay (25-8). Vậy, ngư dân phải bắt đầu từ đâu để sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm thực hiện ước mơ đóng tàu mới vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc?
Nhiều ngư dân Đà Nẵng mong muốn sớm tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng mới tàu cá ra khơi sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.Ảnh: Ngọc Phú |
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng. Ông Minh cho biết:
- Ngày 15-8-2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư 22 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Thông tư này quy định việc cho vay đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67.
* Ông có thể nói rõ hơn về những điểm chính trong Nghị định 67 của Chính phủ và Thông tư 22 của NHNN?
- Trước tiên, phải khẳng định đây không phải là chính sách đầu tiên hỗ trợ cho ngư dân, mà trước đây, chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ đóng tàu, tiếp đến là các chính sách hỗ trợ vay vốn, chính sách đào tạo thuyền viên… Tuy nhiên, theo Nghị định 67 của Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu mới, sửa chữa nâng cấp tàu cũ…, có rất nhiều hỗ trợ mà các chính sách trước đây chưa từng có. Theo đó, ngư dân sẽ được vay đến 95% giá trị con tàu đóng mới, với lãi suất ưu đãi từ 1-3%.
Cụ thể, đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu được vay vốn tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.
Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, Ngân sách Nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Tài sản thế chấp: Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
* Hiện nay, ngành ngân hành đã sẵn sàng để chủ tàu tiếp cận nguồn vốn vay chưa, thưa ông?
- Hiện tại, NHNN Việt Nam đã đề xuất 5 NHTM của Nhà nước chủ động dành 14.000 tỷ đồng để cho ngư dân vay đóng tàu từ 400CV trở lên đánh bắt xa bờ. Các NHTM bố trí vốn, tuyên truyền hướng dẫn chi tiết các thủ tục cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67. NHNN Việt Nam cũng đã giao cho các NHNN đóng trên địa bàn làm đầu mối cùng với các NHTM để tham mưu cho chính quyền địa phương thẩm định, xét duyệt cho vay đóng tàu mới; nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc thì kịp thời kiến nghị cấp trên để giải quyết.
* Ở Đà Nẵng, nguồn vốn này được phân bổ bao nhiêu cho ngư dân vay?
- Con số này thì chưa nắm rõ. Nhưng theo phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngư dân Đà Nẵng sẽ được vay vốn đóng mới khoảng 47 tàu cá có công suất lớn để vươn khơi bám biển. Và hiện tại, Sở NN&PTNT thành phố đang có đề xuất với Bộ NN&PTNT cần bổ sung thêm cho Đà Nẵng tăng số lượng tàu đóng mới được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ vì nhu cầu cần đóng tàu mới công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng là khá lớn.
* Để ngư dân sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, họ phải làm thủ tục vay vốn như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, ngư dân có nhu cầu vay vốn theo chương trình ưu đãi của Chính phủ tại Nghị định 67 cần phải làm giấy đề nghị vay vốn gửi đến Sở NN&PTNT thành phố. Sau đó, Sở NN&PTNT sẽ có trách nhiệm thẩm định từng hồ sơ vay vốn, đối chiếu các tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT ban hành rồi trình UBND thành phố ra quyết định thành lập danh sách nhu cầu vay vốn đóng tàu mới hay sửa chữa, nâng cấp tàu cũ… của ngư dân. Sau khi danh sách được UBND thành phố phê duyệt, thành phố sẽ chuyển hồ sơ vay vốn của ngư dân cho các NHTM, tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét thẩm định, nếu bảo đảm các điều kiện vay vốn thì ngân hàng sẽ giải ngân cho vay.
* Nói như ông thì liệu có sự mâu thuẫn không khi hộ vay đã có trong danh sách được UBND thành phố phê duyệt, nhưng phía ngân hàng sau khi thẩm định lại từ chối cho vay?
- Việc hộ dân vay vốn có tên trong danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố và phương án vay vốn được NHTM thẩm định có hiệu quả, khả thi là hai điều kiện cần và đủ để vay vốn đóng mới tàu, nâng cấp tàu khai thác và dịch vụ hậu cần. Như vậy, ngoài các điều kiện quy định tại Nghị định 67, hộ vay nhất thiết phải đáp ứng cùng lúc hai điều kiện này thì mới có thể vay vốn. Nếu chỉ đáp ứng một trong hai điều kiện thì không được vay.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố: Hơn 150 hồ sơ đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 Khi Nghị định 67 của Chính phủ chưa ra đời, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ khá tốt đối với ngư dân. Chẳng hạn như Quyết định 7068 của Đà Nẵng hỗ trợ, dành cho ngư dân, người dân có điều kiện, đặc biệt là có quyết tâm vươn khơi, hỗ trợ phí, lệ phí đăng kiểm (khoảng 10 triệu đồng) và phải có hộ khẩu tại Đà Nẵng. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng cho ngư dân đóng tàu với công suất từ 400-600CV; 600 triệu đồng đối với tàu từ 600-800 CV và 800 triệu đồng đối với đóng tàu mới trên 800CV. Số tiền hỗ trợ này sẽ được giải ngân sau khi ngư dân đã đóng mới hoàn toàn tàu, cho hạ thủy. Trong khi đó, với Nghị định 67, ngư dân sẽ được vay đến 95% giá trị con tàu, lãi suất chỉ 1-3%. Như vậy, có thể nói chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định 67 cao hơn so với Quyết định 7068. Đến thời điểm này, Sở NN&PTNT thành phố đã nhận được hơn 150 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có khoảng 75 hồ sơ đăng ký vay vốn đóng tàu sắt, chủ yếu là các doanh nghiệp. Như vậy, xem ra chương trình vay vốn theo Nghị định 67 đã thu hút và hỗ trợ tốt cho người dân trong việc đóng mới tàu. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay trong việc triển khai thực hiện nghị định là phía sở vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành… về việc thẩm định hồ sơ vay vốn của ngư dân. PHƯƠNG ANH ghi |
TRỌNG HÙNG - NGỌC PHÚ thực hiện