.

Cần giải pháp đột phá để doanh nghiệp phát triển bền vững

.

ĐNĐT - Thực hiện tiếp nối các chính sách hỗ trợ về cải cách hành chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… theo hướng bền vững, có tính đột phá, có trọng tâm trọng điểm để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển từ nay đến năm 2020.

98
98% DN ở Đà Nẵng vẫn là DN nhỏ và vừa, thiếu các tập đoàn, DN lớn

Đây là một trong những giải pháp đưa ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26-9 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố, Trưởng BCĐ Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014 Võ Duy Khương.

Tại Đà Nẵng, việc phát triển doanh nghiệp trong thời gian có tăng về số lượng nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98%), chưa hình thành các tổng công ty, tập đoàn thật sự lớn, sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều, phát triển doanh nghiệp (DN) chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố… Mục tiêu của đề án phát triển DN đến năm 2020 là số lượng doanh nghiệp phát triển tăng thêm bình quân 10% mỗi năm, giải quyết việc làm bình quân cho 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ khu doanh nghiệp chiếm 65-70% tổng vốn đầu tư thành phố và khu vực doanh nghiệp đóng góp 75-85% tổng thu ngân sách của Đà Nẵng.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: “Để hỗ trợ được DN, cách mà địa phương cần làm là đồng hành cùng DN, chung tay góp sức tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong định hướng phát triển, không nên chia theo không gian quận, huyện cũng không nên chọn các ngành như dệt may, cơ khí (đó không phải là thế mạnh). Đà Nẵng phải xác định là trung tâm của logictic, thương mại - dịch vụ, những ngành có giá trị gia tăng cao...”   

Ở góc độ DN, ông Lý Đình Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SQ Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng nên lựa chọn mỗi ngành nghề mũi nhọn một số DN uy tín, doanh nhân văn hóa, có tính cộng đồng để hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển thành những DN lớn đầu tư cho lĩnh vực và ngành nghề đó để ngành nghề phát triển bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - Đà Nẵng), cần chú ý xây dựng các chính sách hỗ trợ DN đặc thù chuyên biệt và nên dựa vào năng lực cạnh tranh trong một số ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, hạn chế tính dàn trải, cào bằng... Để làm được điều này, cần khảo sát, điều tra sâu về DN để phát hiện những DN có chiến lược tốt, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, có tiềm năng phát triển, từ đó góp phần hình thành những DN lớn đang còn rất hiếm hoi ở Đà Nẵng.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhấn mạnh các giải pháp, chính sách phát triển DN trong thời gian tới là nhiệm trọng tâm, có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong đó, chú trọng phát triển DN theo hướng khuyến khích thành lập các DN mới, DN lớn và mời các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế đứng chân trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong đấu thầu các dự án đầu tư, mua sắm công.

Đồng thời, thúc đẩy DN phát huy lợi thế trong các ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm; nâng cao năng lực quản trị cho các DN thông qua việc triển khai các chương trình  đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Các giải pháp, nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp phải gắn liền với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố; phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới tăng trưởng xanh nhằm góp phần quan trọng xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung…

Tin và ảnh: X. Duyên

;
.
.
.
.
.