.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

.

UBND thành phố vừa có báo cáo về kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Kết luận số 264-TB/TƯ ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 45-CTr/TU ngày 4-9-2009 của Thành ủy.

Theo báo cáo, Cuộc vận động đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức thực hiện cuộc vận động trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhận thức được việc sử dụng hàng Việt Nam là hành động thiết thực, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và tự tôn dân tộc, sử dụng hàng Việt là giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng trong nước, nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.

Cuộc vận động đã lan tỏa rộng khắp tới mọi tầng lớp trong xã hội người Việt Nam, tạo được tinh thần trách nhiệm người sản xuất là không ngừng nâng cao chất lượng, sản phẩm, hàng hóa của mình, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng và với chất lượng sản phẩm tốt cộng chất lượng dịch vụ tốt đã tạo nên thương hiệu của từng doanh nghiệp trong nước ngày càng đứng vững trên thị trường.

Về phía doanh nghiệp, đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động có những hoạt động đưa hàng hóa về phục vụ các khu công nghiệp, khu dân cư, vùng nông thôn, tham gia tích cực các hội chợ triển lãm thương mại địa phương, vùng, miền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa và đã thu được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận.

Trong thời gian đến, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, ngành Công thương thành phố thường xuyên phối hợp với MTTQ Việt Nam thành phố (cơ quan Thường trực Cuộc vận động) cập nhật thông tin, đồng thời bám sát thực tiễn sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam, nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp của các sở, ngành, thành viên của Ban chỉ đạo theo sát diễn biến thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân. Chủ trì và phối hợp, vận động, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các đợt bán hàng Việt, bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tiếp tục triển khai các hoạt động: Tháng bán hàng khuyến mại, Hội chợ hàng Việt; các “Phiên chợ hàng Việt”, “Hàng Việt về nông thôn”; các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, kinh doanh, sản xuất; các hội nghị, hội thảo, giao thương… nhằm kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, các HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam, ban hành các cơ chế chính sách phát triển hàng Việt đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại điện tử.

 B.T

;
.
.
.
.
.