.
Đối thoại đầu tuần

Doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi: Nhiều thay đổi quan trọng

.

Sau những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) và báo chí, Hội đồng quản lý các nguồn Quỹ đầu tư và phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã trình lên UBND thành phố một số giải pháp nhằm giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn ưu đãi từ hai nguồn quỹ này. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về những thay đổi quan trọng, kịp thời này, ông Đoàn Ngọc Vui, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư và phát triển kiêm Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, cho biết:

Với những thay đổi mới từ 2 nguồn quỹ của thành phố sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Với những thay đổi mới từ 2 nguồn quỹ của thành phố sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

- Đối với Chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn Quỹ đầu tư và phát triển, sẽ mở rộng đối tượng cho vay đối với tất cả các DN, hợp tác xã không chỉ đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu mà cả thương mại và dịch vụ với điều kiện là đơn vị có hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn góp phần làm tăng GDP, kim ngạch xuất khẩu cho thành phố, có đóng góp thuế cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Ưu tiên cho vay đối với các DN có số nộp thuế lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng, là DN có uy tín trong hoạt động sản xuất - kinh doanh tại thành phố.

Về thời hạn ủy thác, trước đây, thời hạn ủy thác 120 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ DN là 1 năm kể từ ngày nhận vốn ủy thác. Trên cơ sở đề xuất của quỹ, Hội đồng quản lý thống nhất, trước mắt vẫn tiếp tục ủy thác 120 tỷ đồng cho quỹ để cho vay hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Đây là tháo gỡ hết sức quan trọng vì liên quan đến thời hạn cho vay.

Đối với tài sản thế chấp, một số DN đã thế chấp hết tài sản tại ngân hàng thương mại, không còn tài sản gì để thế chấp cho quỹ nhưng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, là DN có uy tín, thuộc đối tượng ưu tiên như nói ở trên thì quỹ có thể xem xét cho vay tín chấp ở mức không quá 2 tỷ đồng. Trường hợp rất đặc biệt, với các DN quy mô lớn, có uy tín cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, có số đóng góp thuế lớn cho thành phố thì quỹ có thể xem xét, báo cáo Hội đồng quản lý, UBND thành phố cho vay tín chấp đến mức 5 tỷ đồng. Những điều này lần đầu tiên được thể hiện bằng văn bản chính thức, đó là tại nghị quyết Hội đồng quản lý quỹ.

Về thẩm quyền quyết định cho vay, trước đây, thẩm quyền quyết định cho vay là UBND thành phố, nay UBND thành phố phân cấp cho Hội đồng quản lý quỹ xem xét, quyết định cho vay. Đây cũng là một tháo gỡ rất quan trọng làm rút ngắn thời gian xem xét, quyết định phê duyệt cho vay.

Quy định kiểm toán báo cáo tài chính, do hầu hết là DNNVV chủ yếu là nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đều không có kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm, nên quỹ quy định đối với khoản vay dưới 2 tỷ đồng chỉ cung cấp báo cáo quyết toán thuế năm gần nhất, không bắt buộc phải kiểm toán.

* Còn đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV sẽ như thế nào, thưa ông?

- Đến nay, số lượng DN đến quỹ đề nghị bảo lãnh tín dụng còn rất ít, mới chỉ bảo lãnh được 6 DN với số tiền trên 7 tỷ đồng. Để tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn từ nguồn quỹ này, từ đề xuất của Hội đồng quản lý quỹ, UBND thành phố ban hành một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN được tiếp cận bảo lãnh tại quỹ.

Cụ thể, ngoài hình thức DN thế chấp tài sản (chủ yếu là tài sản hình thành sau đầu tư), quỹ có thể xem xét, bảo lãnh bằng hình thức tín chấp ở mức không quá 2 tỷ đồng, trong khoảng chênh lệch giữa giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng với hạn mức ngân hàng cho vay (mức vay tối đa trên tài sản thế chấp). Quỹ đã xây dựng phương án trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 5355/QĐ-UBND ngày 11-8-2014 về việc quy định sử dụng nợ xây dựng cơ bản làm tài sản bảo đảm tại Quỹ bảo lãnh tín dụng. Do đó, có DN được sử dụng nợ xây dựng cơ bản được thành phố xác nhận làm tài sản thế chấp tại quỹ để được vay vốn. Đây cũng là một tháo gỡ quan trọng để các doanh nghiệp có điều kiện được vay vốn kinh doanh.

* Ông có thể cho biết sự đóng góp của cộng đồng DN, chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm này?  

- UBND thành phố đã cấp vốn điều lệ cho quỹ 50 tỷ đồng. Quỹ thường xuyên làm việc với các DN, ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để vận động tham gia góp vốn điều lệ cho quỹ. Tính đến nay, quỹ đã tiếp nhận vốn góp của 5 DN góp vốn điều lệ 1,3 tỷ đồng, gồm Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung góp vốn điều lệ 500 triệu đồng; 4 Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa), Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường, Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển và Công ty TNHH Bình Vinh, mỗi công ty góp vốn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có ngân hàng nào tham gia góp vốn điều lệ quỹ.

Ngoài ra, liên quan đến Quỹ bảo lãnh DNNVV, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, mỗi ngân hàng thương mại phối hợp với quỹ để bảo lãnh tín dụng được ít nhất 2 DN nhưng đến nay mới chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp cho vay - bảo lãnh được 5 DN, các ngân hàng thương mại khác chưa có.

KHÁNH HÒA thực hiện

;
.
.
.
.
.