Kinh phí thực hiện công trình Phố chuyên doanh thời trang (CDTT) đường Lê Duẩn hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đầu tư 40%, quận Hải Châu 30% và 30% kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp, nhân dân trên tuyến phố. Bằng cách giúp người dân thấy được những lợi ích của Phố CDTT, sẵn sàng lắng nghe ý kiến, đóng góp của nhân dân, đến nay, 100% tiểu thương ủng hộ công trình của thành phố.
Mặc dù phải bỏ ra số tiền lớn làm tấm ốp quảng cáo aluminium nhưng hầu hết người dân đều ủng hộ. Ảnh: MAI TRANG |
Sự đồng thuận của nhân dân
Trong quá trình triển khai xây dựng công trình Phố CDTT Lê Duẩn, các hộ kinh doanh trên tuyến đường này được vận động đổi bảng hiệu bằng chất liệu aluminium để bảo đảm tính đồng bộ, thẩm mỹ. Với chiều ngang mặt tiền đường Lê Duẩn lên đến 12m, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Phan Châu Trinh chiếm “kỷ lục” tại phường Thạch Thang về số tiền bỏ ra để làm tấm ốp quảng cáo aluminium - 56 triệu đồng.
Mặc dù phải tốn chi phí khá lớn nhưng bà Nguyễn Thị Tường Vi, Giám đốc trung tâm vẫn hài lòng bởi việc hạ thấp hệ thống cáp điện, nước, viễn thông sẽ giúp đường Lê Duẩn trở thành tuyến đường không có “mạng nhện” dây điện. Bên cạnh đó, hệ thống vỉa hè được làm lại thuận tiện và mỹ quan cao, hệ thống cây xanh được thay thế toàn bộ... sẽ giúp cho đường Lê Duẩn trở thành con đường kiểu mẫu. “Được hưởng tất cả những tiện ích này thì chi phí bỏ ra để làm tấm quảng cáo thực ra lại là một may mắn”, bà Tường Vi khẳng định.
Sự đồng thuận này là kết quả của quá trình dân vận được thực hiện thường xuyên tại các phường Thạch Thang, Hải Châu 1 và Hải Châu 2. Theo đó, sau khi tổ chức hội nghị thông báo phương án Phố CDTT cho các hộ buôn bán trên tuyến đường Lê Duẩn thuộc địa bàn phường quản lý, Đảng ủy các phường tiếp tục chỉ đạo UBND và các ngành chức năng, hội đoàn thể phối hợp với cấp ủy các chi bộ, chi bộ khu dân cư dọc đường Lê Duẩn vận động tuyên truyền nhân dân.
Theo bà Nguyễn Thị Công, Phó phòng Kinh tế quận Hải Châu, vấn đề mấu chốt là giúp người dân hiểu hết những lợi ích mà mình được hưởng khi xây dựng Phố CDTT. Việc hình thành một tuyến phố chuyên doanh, có cách phục vụ chuyên nghiệp, có làn đường dành cho người đi bộ, ghế ngồi nghỉ, biển chỉ dẫn, hệ thống đèn trang trí và bảng hiệu đồng bộ về kích thước, màu sắc… có ý nghĩa quan trọng đối với Đà Nẵng - thành phố du lịch. Đây là cách để Đà Nẵng tạo đặc trưng, điểm nhấn cho ngành du lịch thành phố, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị cho người Đà Nẵng. Bên cạnh đó, khi có các đoàn khách du lịch đến thành phố, họ sẽ dễ dàng tìm đến tham quan, mua sắm tại Phố CDTT. Với hạ tầng đồng bộ, khang trang, hiện đại, việc buôn bán trên tuyến đường này được dự báo sẽ khởi sắc hơn trước.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, đến nay, hầu hết các tiểu thương của quận Hải Châu đều hưởng ứng và sẵn sàng tham gia phát triển kinh tế theo phương án của thành phố. Việc sơn sửa bảng hiệu kinh doanh, thực hiện tuyến phố thông thoáng, thuận tiện, ngăn nắp, thể hiện văn minh thương nghiệp, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, tham gia xã hội hóa kinh phí xây dựng công trình… được các hộ tiểu thương đồng tình và ủng hộ.
Hộ kinh doanh vật liệu xây dựng lo lắng vì ảnh hưởng đến Phố chuyên doanh thời trang. |
Vẫn còn nhiều trăn trở
Mặc dù phấn khởi với dự án Phố CDTT, anh Nguyễn Ngọc Tân (số 120, Lê Duẩn) vẫn lo lắng về việc liệu những biển hiệu của tất cả cửa hàng kinh doanh có theo một màu đồng nhất hay không. Có thể sự đồng bộ về màu sắc này tạo nên nét riêng cho tuyến đường, bảo đảm tính mỹ quan đã được các kiến trúc sư nghiên cứu; tuy nhiên, màu sắc gắn liền với một số thương hiệu nổi tiếng.
Những thương hiệu này không thể thay đổi màu sắc bảng biểu theo quy định của công trình. “Tôi mong rằng, thành phố sẽ có biện pháp để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và vẻ đẹp của tuyến đường, tránh tình trạng chỉ vì không thể thay đổi màu sắc theo quy định mà những nhãn hiệu nổi tiếng này không được tiếp tục kinh doanh trên đường Lê Duẩn”, anh Tân nói.
Theo ông Nguyễn Đức Long (số 180 Lê Duẩn), việc bố trí ghế dọc tuyến đường đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và ngắm phố của người đi bộ là điều cần xem xét kỹ. Ông cho rằng, Đà Nẵng chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Mùa nắng nhiệt độ có khi lên đến 40oC, đường Lê Duẩn lại là tuyến đường có mật độ xe lưu thông cao. Việc ngắm phố giữa trời oi nực hay mưa gió cùng với lượng khí thải từ các phương tiện giao thông dưới lòng đường là điều bất khả thi. Thiết nghĩ, du khách có thể nghỉ ngơi tại những quán cà-phê, quán chè giải khát truyền thống trên tuyến đường, điều này vừa tiết kiệm được diện tích lề đường vừa giảm được chi phí làm ghế.
Hầu hết các cửa hàng trên tuyến đường Lê Duẩn đều do tiểu thương đến thuê mặt bằng để kinh doanh. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người dân “đau đầu” bởi việc quyết định chủ nhà hay người thuê mặt bằng sẽ bỏ tiền ra để làm lại bảng biển bằng chất liệu aluminium. Chị Nguyễn Thị Bích Vân (số 128 Lê Duẩn) cho biết: “Tình hình kinh tế sụt giảm, quần áo thời trang rất ít người mua. Tôi không biết mình có khả năng tiếp tục thuê lâu dài tại đây hay không. Nếu chỉ thuê 2 năm theo hợp đồng mà phải làm mới biển hiệu với giá 30 triệu đồng là điều quá sức”.
Đây cũng là trăn trở của rất nhiều hộ gia đình đang có mặt bằng cho thuê tại đường Lê Duẩn. Bởi, đa phần họ không có khả năng kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang - ngành cần nhiều năng khiếu thẩm mỹ. Thu nhập chính của những hộ gia đình này nằm ở mặt tiền cho thuê. Tuy nhiên, các cửa hàng thời trang lại thuê với thời hạn chỉ từ 2 đến 3 năm. “Chúng tôi có thể bỏ tiền ra để làm biển hiệu giúp người thuê, nhưng chỉ từ 2-3 năm lại thay biển mới cho người đến thuê sau thì quá lãng phí”, chủ nhà 128 Lê Duẩn cho biết.
Xây dựng Phố CDTT, mặt hàng được khuyến khích là quần áo thời trang. Đối với những mặt hàng truyền thống, kinh doanh lâu năm thì được khuyến khích chứ không bắt buộc chuyển đổi. Tại số 174 Lê Duẩn hiện đang bán cát, sạn, gạch, xi-măng. Chủ nhà Đào Thị Bích Nga lo lắng khi biết tuyến phố sẽ được sửa sang thành Phố CDTT bởi mặt hàng mình buôn bán không hề thời trang. Hình ảnh cát, sạn, xi-măng được đổ xuống lề đường, bụi bay mù mịt khi nhập hàng hay vận chuyển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan con đường. “Chúng tôi đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục kinh doanh nghề đã gắn với gia đình trong suốt 70 năm qua thì sẽ làm xấu đi con đường thời trang. Nếu không thì cả gia đình không biết chuyển đổi sang ngành nghề gì để kinh doanh bởi vừa thiếu vốn vừa không có kinh nghiệm”, bà Bích Nga nói trong nỗi lo.
Hầu hết các hộ kinh doanh buôn bán trên 1,1km đường Lê Duẩn sẽ được nâng cấp lên Phố CDTT đều lo ngại khi công trình được khởi công khi mùa mưa đã gần kề. Nếu làm đúng kế hoạch thì đến ngày 25-12 công trình mới hoàn thành. “Tháng 12 và tháng 1 là tháng mua sắm chuẩn bị Tết cao nhất trong năm, việc mua bán của những tháng này có thể bù lỗ cho cả năm buôn bán cầm chừng. Nếu chỉ chậm trễ, dù 1 ngày cũng đồng nghĩa với việc buôn bán bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người bán hàng”, các tiểu thương trên đường Lê Duẩn bày tỏ lo lắng.
Ông Lê Anh khẳng định rằng, tất cả những ý kiến đóng góp này của người dân sẽ được lãnh đạo quận tiếp thu, khảo sát và nếu hợp lý sẽ trình lên lãnh đạo thành phố và đơn vị thi công để có cách điều chỉnh phù hợp. Tất cả nhằm hướng đến chất lượng cao nhất cho công trình, sự thuận tiện lớn nhất cho tiểu thương và người mua sắm trong và ngoài thành phố.
Bài và ảnh: QUỐC VINH