.

Loay hoay tìm lối ra cho làng đá mỹ nghệ

.

Sau khi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhiều cơ sở sản xuất đá tại làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) rơi vào cảnh khó khăn, bế tắc vì các sản phẩm sư tử, lân, nghê, tỳ hưu đá không bán được hàng.

Cơ sở sản xuất của gia đình chị Vui tồn đọng hơn 40 cặp sư tử, lân, nghê đá… gần một tháng nay không có người hỏi mua.
Cơ sở sản xuất của gia đình chị Vui tồn đọng hơn 40 cặp sư tử, lân, nghê đá… gần một tháng nay không có người hỏi mua.

Bế tắc sản phẩm linh vật

Cơ sở đá Phạm Trông thời kỳ còn ăn nên làm ra, mỗi ngày có tới 25 nhân công tất bật với việc cắt, xẻ, đục đẽo, mài đá, nhưng ngày 19-9, khi chúng tôi đến chỉ còn lại vài người thợ đang mài mấy bức tượng Phật. Chị Trương Thị Vui, chủ cơ sở đá Phạm Trông cho hay, gần một tháng nay hàng hóa bị tồn đọng không bán được. Mới đây có 3 công ty đã đặt hàng là các cặp sư tử đá, nghê đá trị giá đơn hàng gần 1 tỷ đồng, nhưng trước thông tin về việc không cho sử dụng linh vật ngoại lai, các công ty hồi lại đơn hàng, không đặt nữa. Thậm chí, 2 đơn hàng trị giá hơn 300 triệu đồng của cơ sở chị đã gửi hàng đi hơn một tháng nay, nhưng các chủ cửa hàng cứ vin vào lý do không bán được hàng nên chưa có tiền trả khiến gia đình chị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có tiền trả công cho thợ.

Hiện, ngoài 4 lao động chính là các con của mình, chị chỉ còn giữ lại vài người làm việc cầm chừng. Khi được hỏi về tình hình sản xuất, chị Vui rơm rớm nước mắt cho biết: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi sống nhờ đá, những con vật như sư tử, lân, nghê, tỳ hưu chúng tôi cũng chỉ sản xuất theo nhu cầu của người sử dụng. Tuy không trực tiếp cấm chúng tôi sản xuất nhưng không cho trưng bày thì chúng tôi sản xuất xong bán cho ai?”

Có 3 đứa con đang tuổi ăn học, hai vợ chồng chị Đoàn Thị Thu Thủy (trú tổ 94, phường Hòa Hải) đều là thợ đá làm công ăn lương. Chị cho hay, mỗi tháng thu nhập của chị được khoảng 2,5 triệu đồng tiền công mài đá, nhưng tháng này hàng hóa đình trệ, không bán được nên chị cũng bị chậm lương. Nhiều lao động đã bị chủ cho nghỉ việc vì số lượng đơn hàng sụt giảm, chị lo lắng không biết khi nào thì đến lượt mình. “Không có tiền thì lấy gì lo cho gia đình, con cái. Ăn uống thì sao cũng được chứ chẳng lẽ không có tiền thì để các con nghỉ học”, chị Thủy tâm sự.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, trong khi người làm nghề chưa rõ ràng linh vật như thế nào được coi là ngoại lai, sẽ cấm sử dụng ra sao… thì việc khuyến cáo không sử dụng ảnh hưởng rất nhiều đến làng nghề và cụ thể là đời sống của những người dân ở đây. Trước đây, người dân làng đá chủ yếu chỉ đục bia mộ, làm tượng… nhưng hơn chục năm nay làng nghề Non Nước giàu lên nhờ sản xuất các linh vật như sư tử, lân, nghê, tỳ hưu. Cả làng nghề gần 400 hộ thì có hơn 50% các cơ sở đã và đang sản xuất những sản phẩm là các con linh vật theo đơn hàng, thị hiếu của khách hàng.

Đi tìm linh vật thuần Việt

Qua tìm hiểu, được biết sau khi có thông tin khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL, không chỉ cơ sở sản xuất nhỏ mà các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn thành phố như Nguyễn Hùng, Tiến Hiếu , Út Lan, Dũng Tuyết, Xuất Ánh… cũng bị ảnh hưởng vì họ là đầu mối tiêu thụ của hầu hết các sản phẩm của làng nghề làm ra.

Trưởng Ban quản lý làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước Huỳnh Chín cho biết: “Là người cầm đục, điêu khắc đá từ những ngày còn trẻ, những con vật như sư tử, lân… đều được biến tấu, cách điệu để thành con lân, sư tử như bây giờ. Nếu nói chúng là ngoại lai thì phải chỉ ra được ngoại lai ở chỗ nào. Còn nói chung chung thế này ảnh hưởng đến làng nghề, khiến trên 70% hộ sản xuất, kinh doanh lâm vào hoàn cảnh khó khăn”. Ông Nguyễn Việt Minh cũng cho biết: “Người dân làng nghề mong muốn được các cơ quan chức năng hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết. Chỉ cho chúng tôi biết thế nào là linh vật ngoại lai, thế nào là linh vật thuần Việt. Có như vậy người sản xuất mới biết để có định hướng cụ thể”.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, chúng tôi được biết, bên cạnh việc kiểm tra tình trạng trưng bày, sử dụng biểu tượng vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh tại địa phương…, ngành chức năng sẽ tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn không trưng bày, sử dụng, cúng tiến biểu tượng, sản phẩm linh vật, các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm linh vật và các vật phẩm linh vật như vậy ra khỏi các nơi công cộng.

Ông Chiến còn cho biết thêm, Sở VH-TT&DL thành phố đã chuyển đường dẫn có hình ảnh các mẫu tượng, linh vật của Việt Nam do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cung cấp theo địa chỉ http://ape.gov.vn/tu-lieu-anh-tuong-linh-vat-cua-viet-nam-d499.th để các đơn vị tham khảo.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cũng có công văn đề nghị Bộ VH-TT&DL nên để những học giả, những nhà nghiên cứu có những bài viết cụ thể hơn để định hướng dư luận cũng như để người dân biết được những linh vật nào thì nên để ở đâu là phù hợp.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.