Dù nông nghiệp là thế mạnh nhưng rau quả Việt Nam lại đang bị hàng nhập khẩu lấn át khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang trong “ma trận” hoa quả mác ngoại. Trong đó, lần đầu tiên hàng Thái Lan đã vượt Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 trong 7 tháng đầu năm 2014.
Ảnh minh hoạ |
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 106 triệu USD, chiếm 34,2% thị phần. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm được 23,1%. Cùng kỳ năm ngoái, thị phần của Trung Quốc là 34,2% còn Thái Lan là 29,4%.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan lần đầu tiên đã vượt Trung Quốc và trở thành nước dẫn đầu trong việc xuất khẩu rau quả vào Việt Nam với các mặt hàng chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, me...
Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng thường có xu hướng tìm mua các loại hoa quả nhập khẩu do lo ngại rau củ quả ngoài chợ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do giá rau quả của Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng của các nước khác nên nếu so sánh về số lượng thì chắc chắn lượng rau quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam vẫn chiếm áp đảo.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 292 triệu USD mặt hàng rau quả từ 13 quốc gia, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó thể hiện rõ trên thị trường khi giờ đây không chỉ tại các cửa hàng, siêu thị mà ngay tại chợ hay thậm chí cả các gánh hàng rong cũng bán nhiều mặt hàng này. Hoa quả nhập cũng đang được rao bán khắp trên Internet thông qua các trang bán hàng trực tuyến nhằm đánh vào bộ phận khách hàng công sở bận rộn, không có nhiều thời gian đi mua sắm.
Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của những rau, củ, quả này như thế nào thì lại chưa được quản lý một cách sát sao để khi được hỏi về giải pháp thì Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng nói trên Tiền Phong rằng: “Người tiêu dùng ngày càng thông minh sẽ biết lựa chọn sản phẩm tốt, chất lượng và dần dần điều tiết thị trường”.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 300 tấn rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép được tuồn vào và tiêu thụ hết Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin trước sau bất nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) về việc nhập khẩu táo Úc và New Zealand từ đầu năm khiến người dân lại càng hoang mang về sự an toàn của trái cây nhập khẩu. Chính những con tem “đảm bảo” nguồn gốc của rau quả nhập khẩu lại đa phần không có dấu chỉ đặc biệt càng tạo sự hoài nghi về nguồn gốc thực của các trái cây này.
Vậy nên, dù người tiêu dùng có cẩn trọng và thông minh đến đâu nhưng trong ma trận nhập nhèm giữa hàng Trung Quốc và hàng trong nước như hiện nay thì việc mua nhầm là điều khó tránh khỏi.
Theo Sống Mới