Phát triển doanh nghiệp (DN) theo hướng khuyến khích thành lập các DN mới, DN lớn và mời các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế đóng chân trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong đấu thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; thúc đẩy DN phát huy lợi thế trong các ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm; nâng cao năng lực quản trị cho các DN thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thực sự phát triển bền vững. |
Đó là những định hướng đặt ra tại Hội thảo góp ý xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020” do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” Võ Duy Khương và TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì vào ngày 26-9.
Những góp ý thẳng thắn
Về thực trạng của DN Đà Nẵng hiện nay, các đại biểu cho rằng có nhiều yếu kém cơ bản như: Số lượng DN tuy có tăng nhưng năng lực cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất chưa cao, sản phẩm xuất khẩu đơn điệu, mô hình quản trị DN còn yếu; chưa hình thành các tổng công ty, tập đoàn thật sự lớn; phát triển doanh nghiệp chưa tương xứng với phát triển của thành phố.
Để thúc đẩy phát triển, ông Lý Đình Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SQ Việt Nam cho rằng, thành phố nên tuyên truyền, công bố, định hướng các chiến lược phát triển, chiến lược phát triển ngành, phát triển vùng, các lĩnh vực ưu đãi đầu tư đến các DN một cách hiệu quả. Đà Nẵng nên lựa chọn mỗi ngành nghề mũi nhọn một số DN uy tín, có tính cộng đồng để hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển thành những DN lớn đầu tư cho lĩnh vực và ngành nghề đó để ngành nghề phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI - Đà Nẵng) nhấn mạnh trong giải pháp hỗ trợ DN theo lĩnh vực, quy mô, địa bàn thì cần chú ý xây dựng các chính sách hỗ trợ DN đặc thù và nên dựa vào năng lực cạnh tranh trong một số ngành nghề, sản phẩm có lợi thế, hạn chế tính dàn trải, cào bằng... Để làm được điều này cần phải khảo sát, điều tra sâu về DN để phát hiện những DN có chiến lược tốt, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, có tiềm năng phát triển; qua đó góp phần hình thành những DN lớn.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Để hỗ trợ được DN, chính quyền cần lấy DN làm đối tượng phục vụ và trong định hướng phát triển, xem DN ở thế động và thế biến. Phải thấy rằng, hoạt động của DN không chỉ gói gọn trong địa bàn mà còn trong tổng thể toàn quốc, mang tính hội nhập, cần có sự kết nối với bên ngoài. Đề án đề cập nhiều vấn đề, nhưng DN đang cần gì, đóng vai trò gì thì phải bổ sung thêm để làm rõ. Trong định hướng phát triển, không nên chia theo không gian quận, huyện, cũng không nên chọn các ngành như dệt may, cơ khí. Đà Nẵng phải xác định là trung tâm của logictics, thương mại - dịch vụ là những ngành có giá trị gia tăng cao...”.
Chính quyền hành động vì doanh nghiệp
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, số lượng DN tăng thêm bình quân 10% mỗi năm, giải quyết việc làm bình quân cho 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ khu vực DN chiếm 65-70% trong tổng vốn đầu tư của thành phố và khu vực DN đóng góp 75-85% tổng thu ngân sách của địa phương. Các giải pháp đưa ra cho mục tiêu này là: Thực hiện tiếp nối các chính sách hỗ trợ về cải cách hành chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… theo hướng bền vững, có tính đột phá, có trọng tâm trọng điểm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển từ nay đến năm 2020.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các hiệp hội, cộng đồng DN, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh các giải pháp, chính sách phát triển DN trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; phát triển DN theo hướng khuyến khích thành lập các DN mới, DN lớn và mời các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế đóng chân trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong đấu thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; thúc đẩy DN phát huy lợi thế trong các ngành, lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm; nâng cao năng lực quản trị cho các DN thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Các giải pháp, nhiệm vụ phát triển DN phải gắn liền với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn thành phố; phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới tăng trưởng xanh nhằm góp phần quan trọng xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, việc xây dựng Đề án “Phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020” là nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình hoạt động “Năm DN Đà Nẵng 2014”; khởi động thời kỳ mới, tập trung đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN trên địa bàn. Đồng thời, xem đây là chiến lược trung hạn cho phát triển DN của thành phố, là kế hoạch trọng tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Để phát triển DN, Đà Nẵng nên tiếp cận bằng phương pháp “đồng hành cùng DN”, chia sẻ những khó khăn và cho họ thấy chúng ta đang phục vụ họ. Chính quyền phải trở thành “đối tác” của DN, chủ động cung cấp các dịch vụ hành chính công, giảm bớt chi phí cho DN bằng cách giảm thủ tục hành chính; thực thi các chính sách, pháp luật thật tốt, giảm rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của ngành phải có kỹ năng về kinh doanh, tài chính chứ không chỉ đơn thuần các kỹ năng quản lý”. Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ: “Chúng ta phải thấy rằng chính quyền từ Trung ương đến địa phương đang tạo hành lang pháp lý, môi trường hoạt động tốt nhất cho DN. Tôi cho rằng quan điểm phục vụ DN là tốt nhất… để từ đó tạo ra tính công khai minh bạch, chứ không phải ưu tiên cho DN này mà không ưu tiên cho DN kia. Chính quyền tạo mặt bằng tốt, đầu tư kết cấu hạ tầng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực để DN hưởng lợi chứ cứ nghĩ phải hỗ trợ vốn, tài chính...”. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH