.

Thạch Nham Đông - ruộng đồng hoang hóa

.

Tình trạng khai thác đất đồi diễn ra liên tục trong nhiều năm qua đã khiến người dân trên địa bàn thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang trở nên khốn khó. Ruộng đồng bị bỏ hoang, trong khi người dân phải đi mua từng lon gạo; vườn tược thì có nhưng cũng chẳng trồng được cây gì để cải thiện đời sống.

Việc khai thác đất đồi làm hoang hóa hàng chục ha ruộng ở thôn Thạch Nham Đông.
Việc khai thác đất đồi làm hoang hóa hàng chục ha ruộng ở thôn Thạch Nham Đông.

Trước đây, gia đình ông Ngô Tấn (ở tổ 2, thôn Thạch Nham Đông) có 4 sào đất, mỗi năm ông trồng hai vụ lúa và một vụ màu. Những lúc rảnh rỗi, ông tranh thủ làm thêm nghề thợ mộc, nên gia đình luôn có của ăn, của để, nhà cửa được xây dựng khang trang. Những năm gần đây, do đất đai không thể canh tác được, gia đình ông Tấn chỉ sống nhờ bằng nghề thợ mộc.

Vì vậy, gia đình ông Tấn đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông phải đi mua từng lon gạo. Ông Tấn cho biết: “Đất đai có nhiều, sức khỏe vẫn còn nhưng ruộng đồng  phải bỏ hoang…; gia đình phải đi mua từng lon gạo thì không thể chấp nhận được. Không những thế, mấy chục năm trước, nơi này mùa nắng chẳng bao giờ thiếu nước sinh hoạt, nhưng những năm gần đây, tình trạng thiếu nước lại liên tục diễn ra vào mùa khô”.

Ông Đinh Văn Thống, Chủ tịch HĐND xã Hòa Nhơn cho hay, cách đây hơn 5 năm, tại khu vực Thạch Nham Đông đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, làm một em học sinh đuối nước ngay trên hố mà các doanh nghiệp khai thác đất để lại.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh (tổ 2) trước đây cũng nằm trong diện có “của ăn, của để” ở thôn Thạch Nham Đông; nhưng những năm gần đây, cũng rơi vào tình trạng khó khăn. 6 sào đất ruộng và đất vườn của ông bị bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm.

Chỉ tay vào những trụ trồng tiêu được xây dựng kiên cố nhưng bị bỏ hoang trên mảnh đất khô cằn, ông Thanh cho biết: Trước đây, gia đình có bao nhiêu vốn và công sức cũng đầu tư vào trồng cây tiêu, nhờ nguồn nước tự nhiên chảy từ trên đỉnh núi xuống nên nước được dẫn bằng đường ống về nhà, nước luôn có quanh năm, ruộng đồng tươi tốt. Lượng nước từ trên đỉnh núi chảy xuống còn lưu đọng ở đập Hố Như nên người dân nơi đây không năm nào bị thiếu nước. Bây giờ, ngồi nhìn ruộng đồng bỏ hoang nhưng gia đình phải đi mua lương thực về ăn… thấy xót vô cùng”.

Ở thôn Thạch Nham Đông có 361 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, đa số người dân sinh sống bằng nghề nông đều phải chịu cảnh khốn khó nói trên. Ông Trương Búp, Trưởng thôn Thạch Nham Đông cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thôn khoảng 16ha. Tuy nhiên, trong vòng 4 - 5 năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nói trên bị bỏ hoang, cỏ dại mọc lút đầu người. Cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Trương Búp và nhiều người dân ở thôn Thạch Nham Đông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị hoang hóa là do mạch nước nguồn chảy từ trên đỉnh núi xuống bị phá vỡ, nước không còn chảy theo khe cũ để xuống chứa tại đập Hố Như, vì vậy toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang.

Không những thế, do diện tích đất đồi bị khai thác lớn, không còn được bao phủ bởi thảm thực vật và phần lớn diện tích còn lại là đá… nên mỗi khi có mưa, bùn đá trôi theo dòng nước, làm lấp đồng ruộng của người dân. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch HĐND xã Hòa Nhơn Đinh Văn Thống, trong quá trình khai thác đất đồi, các đơn vị khai thác đã tạo nên những hố có độ sâu hàng chục mét, nhưng đến nay vẫn không được san ủi, tái tạo môi trường nên dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng con người và động vật nuôi của người dân.

Về vấn đề khai thác đất đồi ở khu vực thôn Thạch Nham Đông, ông Nguyễn Tấn Khoa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho hay, ở khu vực này, có 4 mỏ được thành phố cấp phép cho các doanh nghiệp, gồm: An Hải Sơn, Tiến Thanh, Phúc Đặng và Sơn Hải. Tuy nhiên, đến nay thành phố đã chấm dứt hiệu lực khai thác khoáng sản tại khu vực này đối với doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh và yêu cầu doanh nghiệp này tiến hành lập thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Tiến Thanh vẫn chưa có động tĩnh gì trong việc cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định.

Thiết nghĩ, việc khai thác đất đồi để san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố là việc làm cần thiết, nhất là trong quá trình phát triển đô thị hiện nay. Tuy nhiên, nếu chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn; các đơn vị khai thác triển khai đúng phương án khai thác đến đâu, cải tạo môi trường đến đó; hoặc kịp thời có những hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng thì cuộc sống người dân không phải gặp khó khăn như hiện nay?

Bài và ảnh: NGỌC KHANG HUY

;
.
.
.
.
.