Tác hại do túi ni-lông không phân hủy đối với môi trường là rất lớn, tuy nhiên không phải ai cũng biết và có ý thức từ những thói quen thường ngày; nhất là khi công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, các giải pháp khuyến khích, ưu tiên đối với nhà sản xuất, kinh doanh túi ni-lông thân thiện môi trường còn bỏ ngỏ… Đây là các lý do khiến cho việc sử dụng các loại bao bì thay thế còn hạn chế.
Rác thải từ túi ni-lông dù được chôn lấp nhiều năm vẫn khó phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường. |
Chưa hưởng ứng rộng rãi
Bằng việc tặng miễn phí loại túi dùng nhiều lần như túi vải, túi lohas cho khách hàng, từ nhiều năm nay, các siêu thị Co.op Mart, BigC Đà Nẵng tham gia tích cực kế hoạch vận động khách hàng sử dụng túi không gây nguy hại đến môi trường. Mặc dù vậy, đối với nhiều người, việc chủ động mang theo túi trước khi đi mua hàng không được thường xuyên, hoặc cho rằng, việc cầm theo cái túi đựng đồ bên mình là bất tiện. Do vậy tâm lý của nhiều khách hàng dùng túi ni-lông rồi thải ra thùng rác là xong. Các nhân viên thu ngân của siêu thị Co.op Mart cho hay: Mỗi quầy tính tiền cho khách hàng đều có túi vải giá chỉ 10.000 đồng/cái, nhưng nhiều người lắc đầu cho rằng mỗi lần mua như vậy là lãng phí thêm khoản tiền.
Ngoài ra, khi khảo sát tại một số chợ truyền thống cho thấy, việc mua bán, tiêu thụ túi ni-lông vẫn diễn ra phổ biến. Bởi như giải thích của tiểu thương, không phải chuyện giá cả đắt rẻ mà cái chính là loại túi ni-lông này đa dạng và tiện lợi tới mức… ai cũng hài lòng. Ngay cả khi Luật Bảo vệ môi trường mới được áp dụng, các quầy hàng bán sĩ ngành hàng này tăng giá từ 15.000-20.000 đồng/kg thì người mua vẫn không giảm.
Theo chị Mai Thị Tuyết (quầy hàng khô chợ Hòa Khánh), nhu cầu của những người buôn bán đối với việc gói hàng cho khách là rất lớn. Trung bình mỗi ngày chị bán ra trên 10kg/túi ni-lông các cỡ cho người bán lẻ, chưa kể bản thân quầy cũng phải dùng từ 1-3kg khi đựng các loại hàng hóa cho khách. “Ở chợ hay bất cứ đâu cũng vậy, nếu không dùng túi ni-lông đó thì biết dùng túi gì để thay thế. Nếu có sản phẩm mới, chất lượng tốt hơn, phổ biến rộng rãi ra thị trường thì chị em tụi tui mới đi đầu hưởng ứng phục vụ cho khách hàng chứ”, chị Tuyết nói.
Được biết, trước đó, một vài doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai ra Đà Nẵng chào hàng túi ni-lông tự hủy với Ban quản lý các chợ. Sau khi xem các mẫu túi ni-lông tự hủy và tham khảo giá, hầu hết các tiểu thương đều bày tỏ sẵn sàng chuyển qua bán và dùng các loại túi này. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, không hiểu sao người tiêu dùng tỏ ý nghi hoặc về tính khả thi của sản phẩm thay thế.
Từng triển khai cho tiểu thương chợ Cồn và chợ Hàn tiếp cận với các nhà cung ứng túi ni-lông thân thiện môi trường, ông Huỳnh Ngọc Quý, nguyên Trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho biết: “Ban đầu tiểu thương rất háo hức hưởng ứng sử dụng thử loại túi này cho khách hàng của mình vì thấy mới lạ, nhưng sau đó không thấy công ty cung cấp nguồn hàng quay lại nữa, họ cũng ngừng bán. Loại bao bì mới này tuy có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận. Ngặt nỗi, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày nay luôn thay đổi, nhưng công ty cứ chào hàng mãi một loại rập khuôn, mẫu mã không được đa dạng nên người tiêu dùng chưa mặn mà”.
Cần giải pháp tích cực
Đề cập vấn đề sản xuất túi ni-lông tự hủy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phúc Lê Gia (TP. Hồ Chí Minh) từng đi thăm dò thị trường các chợ Đà Nẵng đề xuất, phải có sự công bằng giữa các đơn vị tham gia sản xuất túi ni-lông thân thiện với môi trường. Theo luật, những sản phẩm bảo đảm cho môi trường sẽ không phải nộp thuế mới kích thích các doanh nghiệp hăng hái đầu tư.
Bởi vì túi ni-lông thân thiện với môi trường có chi phí sản xuất cao hơn túi ni-lông khác nên giá thành cũng là yếu tố quyết định cạnh tranh. Sản xuất loại túi phù hợp với giá cả, sự tiện lợi là điều không dễ trong bối cảnh các nhà sản xuất nhỏ thiếu vốn đầu tư máy móc, công nghệ thổi bao… Doanh nghiệp tự vận động là rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giảm thuế, phí…
Về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giám sát, thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy, ông Nguyễn Đình Ân, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, hiện ở Đà Nẵng không có các cơ sở sản xuất bao bì loại này cho nên thời gian qua ngành thuế mới chỉ thu thuế bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu.
Với quyết tâm xây dựng thành phố môi trường, mới đây, UBND thành phố giao trách nhiệm cho các sở, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, tăng cường sản xuất túi ni-lông thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất và tái chế chất thải; đồng thời giám sát chặt chẽ việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy để bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các loại túi ni-lông thân thiện môi trường. Để những giải pháp tích cực này đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH