.

Xăng dầu giảm, giá cước đứng yên

.

Nếu tính đợt giảm gần đây nhất là vào lúc 18 giờ ngày 9-9, trong vòng 40 ngày qua đã có tổng cộng 5 đợt giá xăng dầu trên thị trường liên tục giảm. Mặc dù vậy, đến nay giá cước vận tải hàng hóa lẫn hành khách đều... đứng yên, không giảm!

Sau 5 lần giá xăng, dầu giảm nhưng giá cước vận tải hành khách hiện nay vẫn  chưa có điều chỉnh.
Sau 5 lần giá xăng, dầu giảm nhưng giá cước vận tải hành khách hiện nay vẫn chưa có điều chỉnh.

Giải thích về điều này, ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô thành phố Đà Nẵng, cho biết chưa bao giờ trong một thời gian ngắn giá xăng dầu trên thị trường giảm nhiều lần như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là về số lần giảm giá, còn giá thì giảm rất... nhỏ giọt, vì thế không thể thay đổi giá cước vào lúc này. Cụ thể, qua 5 lần giảm giá, đến nay giá mỗi lít xăng RON 92 là 23.700 đồng và dầu diesel là 21.700 đồng, tương đương với mức giảm dưới 9%.

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, chỉ điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu giảm trên 10%. Thực tế, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tự điều chỉnh giá cước và chỉ cần có văn bản báo cáo cho các cơ quan chức năng.

Ông Lê Đăng Bình, Chủ DNTN Đăng Bình có xe chạy tuyến Đà Nẵng-Hà Nội, phân tích: Với vận tải hành khách, giá xăng dầu chiếm khoảng 50% cơ cấu giá vé, vì vậy, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 5% thì giá vé sẽ tăng 2,5% và ngược lại.

“Đằng này, sau 5 lần xăng dầu giảm giá tổng cộng chỉ hơn 8%, nếu chúng tôi điều chỉnh giá thì chỉ giảm được khoảng 4%, đây là con số rất thấp không đủ chi phí cho việc in, phát hành vé và nhiều thứ khác nữa. Đó là chưa kể từ khoảng tháng 3 đến tháng 6-2014 đã có tổng cộng 5 lần tăng giá với mức xăng tăng 29% và dầu là 20%, tuy nhiên chúng tôi không điều chỉnh giá cước. Vì vậy, việc 5 lần liên tiếp giá xăng, dầu trên thị trường giảm cũng chưa đủ điều kiện để chúng tôi giảm giá cước”, ông Bình nói.

Một đại diện Hiệp hội taxi thành phố cho rằng, việc tăng hay giảm giá cước là chẳng đặng đừng vì rất tốn kém và rất dễ... mất khách hàng. Thường thì, để tăng hay giảm giá cước, các doanh nghiệp taxi phải thống nhất giá, sau đó là đưa xe đi “bấm” lại đồng hồ với giá 200.000 đồng/đồng hồ, in lại bảng giá trên xe, cũng như sửa lại bảng giá tính theo chặng được niêm yết tại bến xe, sân bay... rất mất thời gian và tốn kém. Vì vậy, chỉ điều chỉnh khi biên độ tăng - giảm giá xăng tương đối lớn, còn với mức như vừa qua thì chưa thể giảm giá cước được.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lại không bằng lòng trước sự “bình chân như vại” về giá cước của các doanh nghiệp vận tải. Bà Lê Thị Thúy Bình, Chủ cơ sở dịch vụ in ấn Thiên Thanh cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở phải hợp đồng trên 20 lượt xe tải để vận chuyển bao bì cho khách hàng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng.

Sau 5 lần giá dầu trên thị trường giảm, nhưng khi yêu cầu giảm giá cước thì các chủ xe đều cho rằng giá dầu giảm ít quá nên chưa thể giảm giá cước. Theo bà Bình, cái khó của cơ sở bà ở chỗ, giá cước không giảm nhưng khách hàng lại yêu cầu giảm giá in vì họ thấy giá xăng dầu giảm. Đặc biệt, những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực du lịch, tỏ ra rất “khó chịu” với giá cước taxi hiện nay. Bởi theo họ, trước đây mỗi lần giá xăng tăng thì các hãng taxi ngay lập tức điều chỉnh giá cước, còn hiện nay lại đưa ra quá nhiều lý do để giữ nguyên giá cước là không công bằng.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.