Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) ra đời là mốc quan trọng về chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách thuế và các chính sách khác nhằm phát triển thủy sản, trong đó nổi bật là vấn đề ưu đãi cho vay đóng tàu lớn vươn khơi. Tuy nhiên, phải làm sao để nghị định được hiện thực hóa một cách hiệu quả, tránh lặp lại “vết xe đổ” việc triển khai dự án đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393/1997-TTg của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn 15 năm.
Cần chú trọng hiệu quả trong đầu tư cho phát triển thủy sản; nhất là cho vay đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Để ngành Thủy sản vươn ra biển lớn, năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 393 về cho vay ưu đãi để cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, những con tàu xa bờ ấy phải nằm bờ và bị đấu giá để trả nợ ngân hàng. Vậy, nguyên nhân vì đâu?
Lục lại danh sách những người từng tham gia vay vốn đóng tàu trong dự án đánh bắt xa bờ của Chính phủ năm 1997, chúng tôi tìm gặp ông Trần Ban (sinh năm 1937, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Với thế hệ vươn khơi xa đầu tiên, ông Trần Ban là một trong những người làm ăn có hiệu quả và trả lãi cho ngân hàng nhiều nhất. Nhớ lại dự án khai thác xa bờ cách đây hơn 15 năm, đôi mắt ông xa xăm: “Lúc đó nghe dự án xa bờ thì nhiều ngư dân Đà Nẵng hăm hở đăng ký làm ngay.
Tuy nhiên, khi nhận tàu rồi thì họ không biết đánh bắt xa bờ là xa bao nhiêu, xa như thế nào. Ra khơi chỉ vài chục hải lý là thả lưới đánh bắt rồi. Nếu đi xa thì ra khu vực biển Hải Phòng nhưng cũng chỉ ở trong bờ mà thôi”. Ông Ban cũng cho biết, lúc đó, khi đăng ký thực hiện dự án, ngư dân chỉ biết ký giấy tờ chứ cũng không nhận tiền, không toàn quyền quyết định được con tàu của mình.
Con tàu của ông có chiều ngang 6m, dài 20m, mớn nước cao 3m, công suất 165CV (thuộc loại tàu lớn trong dự án). Trong khi ngư lưới cụ rất hẹp (chỉ có 200 mắc lưới), chất lượng kém, nên khi xuống biển là bị hư ngay. “Ngư dân tụi tui chủ yếu đánh bắt ở bờ, với công suất tàu từ 20-50CV. Do đó, khi đóng tàu xa bờ, không ai biết ngoài khơi xa có những con cá gì và không có ai dám ra xa hơn bởi biết ngoài đó thế nào. Kể cả những người thực hiện chủ trương họ cũng không biết, không bày vẽ kinh nghiệm cho ngư dân”, ông Trần Ban cho biết thêm.
Ông Trần Ban lục lại tập giấy tờ khi thực hiện dự án con tàu đánh bắt xa bờ. |
Không chỉ có ông Trần Ban ngậm ngùi thất bại với dự án, đau lòng nhìn con tàu của mình bị ngân hàng hóa giá, mà nhiều ngư dân cùng thời với ông cũng đau lòng, chua xót. Ông Đồng Tiến (65 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là một ví dụ. Ông Tiến theo nghề biển từ nhỏ, nên khi có dự án đóng tàu xa bờ của Chính phủ, ông đăng ký làm ngay. Ông là người duy nhất của phường Thọ Quang thực hiện dự án trong năm 1999 và là một người rất năng nổ, trả ngân hàng đều đặn. Do đó, ông được gia hạn vay từ 7 năm lên 12 năm và lãi suất được hạ thấp hơn theo quy định của ngân hàng.
Tuy nhiên, việc đánh bắt không đem lại hiệu quả, mặc dù ông cũng đã thay đổi phương thức sản xuất từ lưới cản sang nghề câu mực. Đến đầu năm 2008 thì Nhà nước thu hồi và đấu giá con tàu của ông với giá gần 300 triệu đồng. Từ sự thất bại này, ông đã rút ra kinh nghiệm: Ngoài việc còn quá mới mẻ trong việc đóng tàu lớn vươn khơi thì công tác quản trị của ngư dân còn quá nhiều hạn chế.
“Từ một tàu chỉ có 2-4 lao động, khi đóng con tàu lớn thì lao động phải lên từ 10 - 25 người. Mà ý thức của “bạn” rất kém, vô kỷ luật, bởi mình không có gì để ràng buộc họ, cứ thấy chán là họ nghỉ. Trong khi để một con tàu lớn vươn khơi thì vấn đề nhân công phải bảo đảm, chỉ cần thiếu 4-5 người là thuyền trưởng phải cho tàu nằm bờ”, ông Tiến nói.
Kể từ khi Quyết định 393 có hiệu lực, từ năm 1997 đến 1999, Đà Nẵng có 35 dự án, đóng 42 tàu (trong đó có 6 hộ, 1 hợp tác xã đóng tàu đôi) có công suất từ 90-165CV, làm các nghề như lưới cản, giã cào. Tổng số vốn vay được Ngân hàng Phát triển Đà Nẵng giải ngân cho các dự án là 56 tỷ đồng, với lãi suất khá ưu đãi. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm triển khai thực hiện dự án, các con tàu của ngư dân đều phải đấu giá để trả nợ ngân hàng vì làm ăn kém hiệu quả. Bà Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Đà Nẵng cho biết, đến năm 2000, thấy làm ăn không hiệu quả nên ngân hàng không giải ngân nữa. Đặc biệt, sau khi dự án bất thành, việc giải quyết hậu quả gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu, nói dự án đánh bắt xa bờ thất bại hoàn toàn thì không hẳn, bởi nhiều người làm ăn được, có người thoát nghèo, cuộc sống của các lao động khấm khá hơn. Tuy nhiên, do ý thức của ngư dân, họ cứ nhìn nhau, người này không trả, dẫn đến người kia chây ỳ, khiến ngân hàng thu nợ rất khó khăn. Chính vì sự “dòm ngó” lẫn nhau đó, nhiều ngư dân có “của ăn, của để” vẫn không chịu trả cho ngân hàng; cuối cùng chấp nhận hóa giá con tàu của mình, khi đó đã mất hết giá trị. Những dự án của ngư dân vay trên 1 tỷ đồng/người, đến khi bị hóa giá thì người nhiều nhất cũng trả được vài ba trăm triệu đồng, đến nay mỗi hộ nợ ngân hàng gần cả tỷ đồng.
Cho đến đầu năm 2008, những con tàu cuối cùng cũng được hóa giá, bán lại cho ngư dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển, trước khi đấu giá hết 40 con tàu (2 tàu đã bị chìm và cháy trước đó được ngân hàng xóa nợ), phía ngân hàng hết sức lo lắng bởi khi Nhà nước tịch thu tàu từ ngư dân, phía ngân hàng phải tìm nơi neo đậu tàu, mà sợ nhất là mùa mưa bão đến sẽ hư hỏng, sợ trộm cướp và những người phá hoại. Cho đến khi có quyết định khoanh nợ, phía ngân hàng cũng chỉ mới thu được khoảng 18% (đã tính các chi phí) trong tổng số dư nợ.
Dự án xa bờ buộc phải dừng lại, phía các ngành chức năng đã rút ra được những bài học hết sức quý giá. Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân khiến dự án thất bại là ngay khi triển khai Quyết định 393 đã không xác định rõ được việc xa bờ là xa bao nhiêu, đánh bắt con cá gì, đánh ở ngư trường nào và có cá hay không.
Trong khi đó, đối tượng để được vay vốn cũng chưa xác định rõ ràng là những ai; không xác định được người nào có nhu cầu, có năng lực và có phương án sản xuất tốt hay không, kèm theo việc cho vay dễ dãi khiến một số trường hợp lợi dụng… “Hồi đó cho vay cũng thiên về chuyện đóng tàu là chính, nên không có cho vay vốn lưu động để ngư dân hoạt động, cũng không có các chương trình hậu cần. Nhà nước cũng không đứng ra tư vấn cho dân nên làm như thế nào. Vì sự không đồng bộ đó nên ngư dân gặp vô vàn khó khăn, không có vốn để ra khơi và khi về bờ thì bị đầu nậu ép giá”, ông Lĩnh nói.
Ngoài ra, theo một số ngành chức năng nhận định là do công tác điều hành, quản trị kém, không thu hồi được vốn, dẫn đến thất bại.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ