“Ở khía cạnh nào đó, dự án đóng tàu đánh bắt xa bờ trước đây đã tạo cú hích cho Đà Nẵng phát triển ngành thủy sản. Đó là việc hình thành những con tàu lớn vươn khơi xa, tạo nền móng cho một lớp ngư dân mới, có trình độ, năng lực, làm ăn hiệu quả”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Đà Nẵng cho biết.
Sau thất bại của dự án xa bờ, Đà Nẵng đã hình thành được lớp ngư dân trẻ, năng động, tiếp thu khoa học kỹ thuật tốt. Trong ảnh: Anh Trần Văn Mười đang hoàn thiện xưởng cơ khí của mình. |
Nối nghiệp cha
Cuối năm 2006, khi con tàu của cha mình bị hóa giá (329 triệu/1,4 tỷ đồng giá trị con tàu khi đóng mới), anh Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà - con ông Trần Ban) hết sức đau lòng. Là một người đang làm việc tại một công ty ô-tô, Trần Văn Mười bỏ ngang để đeo đuổi giấc mơ của cha mình. Cha nợ ngân hàng, gia tài không còn bao nhiêu, chỉ với 200 triệu đồng lận lưng, anh Mười vay thêm của ngân hàng được 500 triệu đồng để đóng mới con tàu vươn khơi làm nghề câu mực.
Sau một thời gian ngắn, nhờ biết tính toán, con tàu câu mực gần 300CV của anh Mười làm ăn hiệu quả, anh trả hết nợ ngân hàng, các “bạn” của anh cũng có thu nhập khá, bình quân mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng. Như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, anh Trần Văn Mười bán tàu nhỏ, đóng tàu lớn hơn với công suất 420CV rồi 520CV. Kèm theo đó, số lao động cũng tăng từ 18 người lên 30 người, mỗi chuyến đi câu mực từ 30 ngày tăng lên 60 ngày rồi 70 ngày.
Nhưng với khát khao làm giàu từ biển và vươn khơi xa hơn, năm 2011, anh Trần Văn Mười tiếp tục đầu tư và đóng mới tàu câu mực ĐNa 90567 có công suất 950CV. Cái “sự liều” của anh Mười khiến nhiều người làm cùng ngành phải ái ngại, lo lắng thay cho anh. Bởi, thời điểm đó, tàu câu mực của anh Mười thuộc dạng lớn nhất miền Trung, số vốn bỏ ra hàng tỷ đồng. Bạo gan làm giàu nên anh Mười tin vào quyết tâm của mình.
Với sự đầu tư lớn, mỗi chuyến biển, sau khi trừ chi phí, anh Trần Văn Mười kiếm cả tỷ đồng, mỗi “bạn” cũng nhận được hơn 50 triệu đồng/2 tháng. Từ đầu năm đến nay, điều kiện biển giã khó khăn, dù nhiều ngư dân thua lỗ, nhưng với 2 chuyến biển cũng cho anh trên 1 tỷ đồng; đặc biệt, mỗi lao động thu nhập trên 80 triệu đồng. Anh hy vọng, năm nay là năm nhuận sẽ đi được nhiều chuyến biển hơn, cho thu nhập cao hơn mọi năm.
Sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, anh Trần Văn Mười đăng ký với chính quyền địa phương xin được đóng mới 2 tàu vỏ thép làm nghề chụp mực kiêm nghề lưới khơi, mỗi tàu có chiều dài trên 30m, đầu tư hiện đại và ít nhất chi phí mỗi tàu khoảng 17 tỷ đồng. Theo anh Mười, nếu được vay vốn đóng tàu, anh sẽ chuyển sang hình thức mỗi tháng đi một chuyến biển. Ngoài một số nguồn mực xà phơi nắng, tàu sẽ cách đông đưa về đất liền chế biến, đem lại hiệu quả cao hơn. “Mình không tham vọng là sẽ đem sản phẩm mực đi xuất khẩu nước ngoài, nhưng mình sẽ phấn đấu làm nhà máy chế biến để tiêu thụ nội địa. Mỗi tấn mực sau khi chế biến, đem đi tiêu thụ sẽ lời gấp đôi việc mình đem mực bán cho các nhà máy”, anh Trần Văn Mười phân tích.
Hiện tại, để chuẩn bị cho “chiến dịch làm giàu từ biển”, anh Mười đã đầu tư một xưởng chế biến đá cây có công suất 600 cây đá/ngày để phục vụ cho mình cũng như ngư dân. Bên cạnh đó, anh cũng thuê mặt bằng và đầu tư một xưởng chế biến đá mịn phục vụ cho ngư dân tại cảng cá Thọ Quang. Bên cạnh đó, hiện nay anh đã hoàn thiện xưởng cơ khí với mục đích phục vụ cho việc đầu tư, xây dựng, cho thuê thiết bị máy móc phục vụ các công trình xây dựng và phục vụ cho 2 con tàu vỏ thép trong tương lai mỗi khi hỏng hóc.
Sau hơn 7 năm nối nghiệp cha, giờ đây anh Trần Văn Mười đã trở thành một ngư dân thuộc diện có tiếng trong việc làm giàu từ biển của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Điều này chứng tỏ, ngư dân Đà Nẵng sẽ không bao giờ an phận với thất bại, bởi họ đã rút ra bài học lớn từ những người đi trước để bổ sung cho kinh nghiệm của mình, biết đầu tư đúng trọng điểm, vươn lên làm giàu.
Hình thành lớp ngư dân mới
Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm, việc triển khai dự án đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393 tuy nói thất bại nhưng vẫn có những cái được nhất định. Đặc biệt, khi những con tàu hóa giá, những người mua lại tàu đã manh nha hình thành nên một đội tàu lớn để vươn khơi. Từ đó, người dân mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu lớn, góp phần đặt nền móng để cho ra đời một lớp ngư dân mới, có khả năng tiếp cận phương thức đánh bắt mới, công nghệ tốt hơn.
Từ sau khi những con tàu của dự án xa bờ được đấu giá, thành phố Đà Nẵng đã phát triển một lực lượng tàu mới, đánh bắt xa bờ hết sức hùng hậu. Theo Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, nếu năm 2003, Đà Nẵng chỉ có 48 tàu cá có công suất trên 90CV, không có tàu trên 400CV thì đến nay đã có hơn 240 tàu cá có công suất trên 90CV, 95 tàu cá trên 400CV, trong đó có 3 tàu trên 1.000CV.
Song song với việc hình thành đội tàu xa bờ, một lớp ngư dân mới, trẻ, năng động, biết vận dụng khoa học công nghệ để khai thác, làm giàu từ biển xuất hiện. Tiêu biểu như Lê Văn Sang, Lê Văn Khanh, Lê Văn Ny (phường Thuận Phước, quận Hải Châu); Nguyễn Phú Hùng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), thuyền trưởng tàu ĐNa 90307; Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà - chủ hai con tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn nhất miền Trung), hay như những ngư dân Lê Văn Xin, Lê Văn Khăng, Nguyễn Cao Minh… (quận Sơn Trà), Lê Văn Chiến, Lê Phi, Lê Dũng…; đặc biệt là vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa và ông Trần Văn Vốn (quận Thanh Khê). Những ngư dân mới này làm giàu từ biển và thành công với mơ ước vươn khơi bởi họ không chỉ kế thừa kinh nghiệm của cha ông mà dám mạnh dạn đầu tư, học hỏi kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Anh Lê Văn Sang, chủ tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung và con tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng mang hiệu Sang Fish 01, cho biết để làm giàu từ biển không chỉ có đóng tàu rồi ra khơi mà phải tổng hợp nhiều yếu tố. Trong đó, con tàu phải trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật và người thuyền trưởng cũng như các ngư dân phải biết sử dụng các kỹ thuật đó. Ngoài ra, phải thực hiện công tác quản trị thật tốt, nhất là nhân công. “Hiện nay, đi biển quan trọng nhất là người lao động, nếu họ bỏ biển thì chủ tàu coi như không thể ra khơi. Do đó, chủ tàu phải làm sao để người lao động tin tưởng, gắn bó”, anh Lê Văn Sang chia sẻ.
Để chuẩn bị cho chiến dịch “vươn ra biển lớn”, nhiều ngư dân trẻ Đà Nẵng đang tìm tòi, nghiên cứu công nghệ của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. Một số ngư dân đã dự định sang Nhật để đi thực tế việc khai thác, bảo quản hải sản và học cách quản trị để về nước vận dụng, đồng thời bày vẽ lại cho những người chưa có điều kiện.
Quyền Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cho biết, lớp ngư dân mới hiện nay không chỉ lo làm ăn hiệu quả mà tinh thần đoàn kết rất cao. Mỗi chuyến ra khơi đều hoạt động theo tổ đội, ngoài việc hỗ trợ lẫn nhau còn tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo đó, hằng năm, ngư dân đánh bắt xa bờ đã thông báo về cho lực lượng chức năng hàng nghìn thông tin có giá trị về việc tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta. Đặc biệt, việc 25 tàu cá cùng 250 lao động Đà Nẵng xung phong ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta vừa qua để vừa đánh bắt, vừa cùng với lực lượng chấp pháp đẩy đuổi giàn khoan rất đáng hoan nghênh. Họ bất chấp sự tấn công, ngăn cản, thậm chí là bị đâm chìm tàu, kiên quyết bám biển, giữ ngư trường truyền thống, là một minh chứng sống cho một lớp ngư dân đầy gan dạ, giàu lòng yêu biển đảo của Tổ quốc.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ