.
Bài học trước giờ vươn khơi

Bài cuối: Cần chọn hạt giống tốt

.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân để không chỉ có những con tàu lớn vươn khơi làm giàu từ biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong quá trình triển khai thực hiện, Đà Nẵng cần chọn những ngư dân thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có phương án sản xuất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao và khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Để Nghị định 67 thành công, Đà Nẵng cần phải chọn những “hạt giống” tốt. Trong ảnh: Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi.
Để Nghị định 67 thành công, Đà Nẵng cần phải chọn những “hạt giống” tốt. Trong ảnh: Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ trước khi ra khơi.

Đà Nẵng sẵn sàng cho việc lựa chọn

Sau một thời gian triển khai Nghị định 67, thành phố Đà Nẵng đã có 146 tổ chức, cá nhân (138 ngư dân, 1 cá nhân, 7 doanh nghiệp) đăng ký đóng mới 184 tàu (161 tàu khai thác, 23 tàu hậu cần). Điều này cho thấy, ngư dân hết sức quan tâm đến Nghị định 67, mong muốn đầu tư tàu lớn vươn khơi. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ được Bộ NN&PTNT phê duyệt 47 phương tiện. Qua theo dõi, được biết, nhiều ngư dân có tâm huyết, làm ăn hiệu quả hết sức sốt ruột. Họ sợ nhất là ngành chức năng loại bỏ những “hạt giống” tốt, để chọn những “hạt giống” bình thường rồi cho vay.

Một ngư dân quận Sơn Trà đang khai thác xa bờ rất hiệu quả tỏ ra lo lắng: “Sợ nhất là có đường “cò” để được xét duyệt. Tôi mong thành phố xét duyệt một cách công tâm, chọn những người có năng lực để cho vay và có khả năng trả nợ cho ngân hàng, để dự án đạt hiệu quả thực sự. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố khẳng định, sẽ không bao giờ có chuyện “cò” để được “suất”.

Nhưng ông Tám cho rằng, số lượng đăng ký đông mà chỉ tiêu ít (bình quân gần 4 người chọn 1 người) thì người có người không là điều chắc chắn. Tuy nhiên, thành phố sẽ làm chặt chẽ để những người không được cũng thấy hài lòng. “Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng xét duyệt và tổ giúp việc. Tất cả những gì liên quan đến Nghị định 67, Đà Nẵng đã sẵn sàng, chỉ chờ tiêu chí của bộ đưa ra. Nhưng nếu Bộ NN&PTNT không có một tiêu chí chung thì thành phố Đà Nẵng sẽ đưa ra tiêu chí riêng để xét chọn những ngư dân vay vốn đóng tàu”, ông Tám khẳng định. Những tiêu chí đầu tiên để được thành phố xét duyệt chính là đang làm ăn hiệu quả trên con tàu lớn, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất tốt để trả nợ ngân hàng...

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng, để Nghị định 67 thành công, trước hết, phía cơ quan tuyên truyền phải cho ngư dân thấy đóng tàu lớn là một nghề làm ăn thật sự, do đó phải tính toán kỹ lưỡng, làm ăn phải có lời để trả ngân hàng. “Đây là nguồn vốn vay ưu đãi, cho vay chứ không phải cho không. Trước hết, người vay phải khẳng định rằng, đi đánh cá là làm kinh tế, phải thu lời mới có khả năng trả nợ được”, ông Lĩnh nói thêm.

Ông cũng đề xuất Sở NN&PTNT phải có chương trình hỗ trợ như: Tư vấn cho ngư dân biết đối với vùng biển này thì đánh cá gì, công nghệ đánh bắt ra sao, sử dụng tàu vỏ gỗ hay vỏ thép; đồng thời phải xác định trữ lượng khai thác bao nhiêu để bảo vệ lâu dài tài nguyên của đất nước. “Mình đánh bắt phải tính đến chuyện bền vững lâu dài, phải có trách nhiệm để cho con cháu mình khai thác nữa”, ông Trần Văn Lĩnh nhấn mạnh.

Được vay vốn phải đáp ứng đủ hai điều kiện

Những chuyên gia thủy sản cho rằng, khi triển khai Nghị định 67 đừng để cho những ngư dân trước đây làm thuê, giờ thấy chính sách quá ưu đãi rồi đăng ký xin vay để được làm chủ con tàu của mình; đừng để ngư dân ngộ nhận và lợi dụng chủ trương. Bởi để thành công, khâu quan trọng nhất, ngoài kinh nghiệm biển cả, phải biết ứng dụng khoa học công nghệ và công tác quản trị. Đặc biệt, nếu quản trị không tốt sẽ dẫn đến thất bại. Theo ông Trần Văn Lĩnh, phía chính quyền các cấp, Sở NN&PTNT phải tính toán, chỉ định những người có kinh nghiệm tổ chức, đánh bắt và thành công ở những con tàu lớn. Do đó, những người cho vay (là ngân hàng) phải thẩm định kỹ càng, có trách nhiệm, đúng mục tiêu. Nếu không, ngân hàng sẽ “chết” trước.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng Võ Minh cho biết: “Để vay được nguồn vốn từ ngân hàng, ngư dân phải đáp ứng đủ hai điều kiện: Được thành phố phê duyệt và được ngân hàng thương mại Nhà nước thẩm định”. Trường hợp dù đã được thành phố phê duyệt, nhưng khi ngân hàng thương mại thẩm định mà phương án không khả thi thì ngân hàng cũng sẽ loại và sẽ chọn những người khác, cho dù đối tượng đó không nằm trong danh sách ưu tiên của thành phố.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, theo Nghị định 67, ngư dân được vay tối đa đến 95% để đóng tàu; nhưng đó chỉ là con số tối đa, còn tối thiểu là bao nhiêu thì chưa xác định được. Điều này sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng, nên ngư dân cũng phải chủ động nguồn vốn tự có của mình.

Đánh giá về chính sách tín dụng của Nghị định 67, đại diện một số ngân hàng cho biết, cơ chế tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ có sự đồng bộ, đầy đủ, phạm vi và đối tượng rộng hơn so với chương trình đánh bắt xa bờ trước đây. Cơ chế mới tạo chủ động cho ngân hàng lựa chọn người vay có kinh nghiệm, năng lực tài chính và khả năng quản lý tốt nhất để bảo đảm việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn. Theo khẳng định của các ngân hàng thương mại Nhà nước được chỉ định cho vay, sẽ thực hiện đúng nguyên tắc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, vừa tạo thuận lợi nhưng cũng hết sức chặt chẽ, có trách nhiệm trong quá trình thẩm định đối tượng cho vay.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.