.

Để hàng Việt lan tỏa mạnh hơn

.

Ngay sau khi có các chương trình của Trung ương và chương trình hành động của thành phố Đà Nẵng về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công tác tuyên truyền của chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị vào cuộc khá mạnh mẽ, đồng bộ. Đến nay, nhận thức của người dân về cuộc vận động đã có kết quả rõ rệt.

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước, hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN) tiếp tục triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền; lồng ghép các chương trình hướng dẫn người tiêu dùng, nhà sản xuất, giáo dục trong học sinh nhằm tạo nhận thức sâu rộng, mạnh mẽ về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động - CVĐ).

Hằng kỳ, hằng quý đánh giá kết quả việc thực hiện, tổ chức kết nối cung - cầu, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ DN, tổ chức tiêu thụ hàng Việt chất lượng cao; ít nhất có hơn 95% người Đà Nẵng dùng hàng Việt, 100% hộ tiểu thương các chợ ký cam kết không bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và xử lý phạt nặng vi phạm…

Đó là phát biểu nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ tại Hội thảo tổng kết 5 năm CVĐ của thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 30-10.

Chuyển biến lớn từ cuộc vận động

Ngay sau khi có các chương trình của Trung ương và chương trình hành động của thành phố Đà Nẵng, công tác tuyên truyền của chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị vào cuộc khá mạnh mẽ, đồng bộ. Điều này đã tạo sự quan tâm và đồng thuận của người dân thành phố về một chủ trương rất hợp lòng dân. Đến nay, nhận thức của người dân về CVĐ đã có kết quả rõ rệt.

Điều tra của Hội DN nhỏ và vừa cho thấy, có 39% người dân biết CVĐ do Mặt trận tuyên truyền, còn lại là các kênh khác thực hiện. Còn theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7-2014, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến CVĐ, 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam (tăng 4% so với năm 2010); 54% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam” (tăng 6% so với cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11-2010). Tại thành phố Đà Nẵng, ước tính tỷ lệ người dân biết về CVĐ không dưới 90%.

Từ năm 2009 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hơn 22 hội chợ triển lãm thương mại, công nghiệp và khoa học. Đặc biệt, từ năm 2011, định kỳ tổ chức thành công Hội chợ hàng Việt với quy mô từ 350-400 gian hàng. Đây là dịp để các DN thành phố và các địa phương giới thiệu tiềm năng, sản phẩm của các vùng miền; là nơi các DN trong và ngoài thành phố mở rộng hợp tác, kết nối cung-cầu.

Đa số người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm tại hội chợ thể hiện thái độ khá hài lòng khi lựa chọn hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Các DN đã ý thức hơn về trách nhiệm đối với người tiêu dùng, chủ động đưa hàng hóa về nông thôn, khu công nghiệp nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa.

Hiện nay, hệ thống phân phối bán lẻ của các chợ, siêu thị cơ cấu tỷ lệ hàng Việt trong các quầy kệ tăng lên không ngừng. Tại BigC có 95% là hàng Việt, Co.op Mart có 90% hàng Việt, riêng nhóm hàng thực phẩm chiếm 95%. Siêu thị Intimex có 85% hàng Việt. Những con số này khẳng định mức độ tiêu dùng hàng Việt của người dân thành phố rất lớn. Hoạt động của CVĐ những năm qua đã góp phần thực hiện các giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đánh giá: CVĐ đã lan tỏa rộng khắp tới mọi tầng lớp trong xã hội, tạo được tinh thần trách nhiệm người sản xuất là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình. Điều này nhằm thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm tốt cộng chất lượng dịch vụ tốt tạo nên thương hiệu của từng DN trong nước ngày càng đứng vững trên thị trường.

Để hàng Việt khẳng định chỗ đứng

Tại hội thảo, bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty CP Intimex đặt vấn đề: “Hiện nay chúng ta rất chú ý ưu tiên phát triển hàng Việt, nhưng Nhà nước chưa có chính sách cụ thể đối với việc hỗ trợ DN Việt Nam đầu tư phát triển hệ thống phân phối hiện đại trong khi lại có chính sách cụ thể đối với nhà phân phối, bán lẻ ngoại. Nếu chúng ta không có chính sách hợp lý thì các DN trong nước sẽ khó phát triển mạnh trong lĩnh vực này và đến một lúc nào đó sẽ bị các nhà bán lẻ nước ngoài lấn lướt, thâu tóm. Khi đó, hệ thống phân phối sẽ phụ thuộc vào các DN nước ngoài thì việc phát triển, khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ được thực hiện như thế nào?”.

Đưa ra những giải pháp phát triển hàng Việt một cách lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị cần chú trọng đến công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh thực hiện việc kiểm tra và kiên quyết xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng có yếu tố độc hại, nhất là những mặt hàng có xuất xứ không chính thống từ Trung Quốc để củng cố niềm tin hàng Việt. Có thể nói, hiệu ứng của CVĐ không thể lan tỏa mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân nếu chỉ khuếch trương dùng hàng Việt.

Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại… sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Sắp tới, không chỉ lực lượng Quản lý thị trường mà các thành viên trong BCĐ 389/TP sẽ quyết liệt hơn với những vi phạm trong hoạt động sản xuất và mua bán hàng hóa, nhằm bảo vệ quyền lợi cho DN và người tiêu dùng thành phố.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, đại diện Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho rằng, bên cạnh việc phát triển thị trường xuất khẩu, DN không quên phục vụ gần 90 triệu dân trong nước, bởi thị trường nội địa rất tiềm năng và bền vững. DN phải thường xuyên cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người Việt.

Cũng thẳng thắn đề cập đến những nguyên nhân khiến hàng Việt chưa thực sự có chỗ đứng, bà Ngô Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố đề xuất: Nên chăng, chúng ta phải đặt một cái tên khác cho CVĐ, đó là CVĐ “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Có như vậy mới thực sự kích cầu tiêu dùng, đưa nền kinh tế trong nước phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng và bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…

Trong hội nghị tổng kết 5 năm, Ban chỉ đạo CVĐ Trung ương đề ra các mục tiêu thực hiện đến năm 2020: 100% người tiêu dùng và DN biết đến CVĐ; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; 80% hàng Việt có thế mạnh chiếm thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa;100% các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình “Điểm bán hàng Việt” cố định bền vững; 100% các tỉnh, thành phố tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.