Chiều 16-10, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Đà Nẵng và biến đổi khí hậu”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì Hội nghị.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã nghe chuyên gia ISET cũng như các chuyên gia trong nước thông báo một số nghiên cứu về tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) trong nước và thế giới thời gian qua, những tác hại lớn do BĐKH gây ra. Theo PGS,TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Việt Nam, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trực tiếp cũng như gián tiếp, trong đó ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch.
“Cơn bão số 11 năm 2009, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phải hủy 50 chuyến bay đến khu vực miền Trung; tàu Bắc - Nam ngưng hoạt động 6 ngày; 157 chương trình du lịch đến miền Trung bị hủy. Lũ do cơn bão số 8 năm 2008 gây ra tại Sa Pa (Lào Cai) khiến 3.000 hành khách bị mắc kẹt; lũ năm 2012 làm 16 hãng lữ hành phải hủy chuyến lên Sa Pa…”, PGS,TS Phạm Trung Lương dẫn chứng.
Riêng ở Đà Nẵng, PGS,TS Phạm Trung Lương cho rằng, với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và nhiều bãi biển đẹp, nhưng với BĐKH bất thường, cực đoan, cần có biện pháp ứng phó thích hợp và có chiến lược lâu dài. Trước mắt, phải chủ động bảo vệ cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đồng thời có chương trình dự phòng trong mùa mưa bão.
Furama Resort Đà Nẵng là đơn vị thường xuyên chịu tác động của bão, Tổng Giám đốc Huỳnh Tấn Vinh cho biết, đã thuê chuyên gia giám sát, tư vấn của nước ngoài gia cố mái nhà. Bên cạnh đó, Furama đã thành lập phương án phòng tránh thiên tai; lập đội phòng, chống thiên tai và giao trách nhiệm cho từng thành viên khi có bão, lũ sẽ lên phương án di chuyển du khách; đồng thời dự phòng lương thực, thực phẩm cho du khách.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá tác động, xu hướng BĐKH để xây dựng năng lực ứng phó. Các ngành, các cấp cần tham gia, đồng hành, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đó chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề BĐKH.
Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết lưu ý, mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược, kế hoạch, phương án ứng phó thường xuyên, lâu dài; xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền để người lao động nhận thức tốt hơn về vấn đề BĐKH. Đặc biệt, trong quá trình đâu tư mới, cần đưa ra các giải pháp an toàn về bão, lũ; xây dựng các kịch bản phòng, chống bão, siêu bão, từ đó có những công trình bền vững, giảm thiểu tổn hại do BĐKH gây ra. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động, mạnh dạn đề xuất với thành phố để có những hỗ trợ cần thiết trong vấn đề BĐKH.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đề nghị tiếp tục tuyên truyền tác hại ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng người dân. Sở Xây dựng giới thiệu những vị trí, khu vực cần “xã hội hóa” để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầu tư… Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng mong muốn ISET tiếp tục có những hỗ trợ cần thiết về chương trình BĐKH, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí…
NGỌC PHÚ