Từ đầu năm đến nay, dù tình hình kinh tế vẫn còn gặp khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng được đánh giá khá ổn định và mang lại hiệu quả. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư mới hay mở rộng sản xuất tại các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) chú trọng vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ - ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng đang hết sức quan tâm.
Thiết bị phụ trợ của Công ty Kamui đã được Công ty Tam Hiệp Thành ký kết hợp đồng mua sản phẩm. |
Thúc đẩy nhanh “phần khuyết”
Đại diện Công ty TNHH Kanzaki (sản xuất linh kiện kim loại) tại KCN Hòa Khánh từng bày tỏ: Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản muốn vào Đà Nẵng, nhưng gặp lúng túng vì hầu hết DN Nhật Bản sản xuất linh kiện phục vụ cho công nghiệp lắp ráp mà Việt Nam lại rất thiếu các phần phụ trợ. Nắm bắt cơ hội này, gần đây, nhiều dự án của các DN Nhật Bản được cấp phép vào Đà Nẵng. Tháng 9-2014, Nhà máy Kamui (chuyên sản xuất thiết bị trao đổi nhiệt) được xây dựng tại KCN Hòa Khánh với tổng diện tích sử dụng 11.092m2, vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng, quy mô sản xuất 2.610 sản phẩm/năm.
Ông Mikio Juaman, Tổng Giám đốc Công ty Kamui Việt Nam cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp nhiệt lạnh với bề dày trên 50 năm, chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng còn thiếu ngành này. Vì thế, các thiết bị phụ tùng của chúng tôi sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu các DN Nhật Bản mà còn cho DN Việt Nam sử dụng thay thế hàng nhập khẩu”.
Mới đây, tại Khu CNC, nhà máy chuyên sản xuất van mạch điện tử cũng vừa được khởi công với vốn đầu tư 40 triệu USD của Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology, trên diện tích 30.000m2, được chia làm làm 3 giai đoạn. Trong đó, diện tích xây dựng nhà máy của giai đoạn 1 là 5.300m2, sản xuất hai mặt hàng chính: van chuyển mạch điện tử loại nhỏ (công suất 50.000 cái/tháng), van chuyển mạch điện tử loại vừa (công suất 6.000 cái/tháng), tương lai sẽ hướng đến sản xuất cả bơm cánh quạt áp lực cao.
Ông Michio Saruhashi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology nhận định: “Chúng tôi dự đoán rằng, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, nhu cầu thiết bị thủy lực ở các nước phát triển trong khu vực châu Á sẽ liên tục tăng trong thời gian tới. Trong điều kiện thị trường như vậy, sự cạnh tranh về giá cả ngày càng khốc liệt. Để củng cố vị trí ở các nước đang phát triển, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng. Dự án này sẽ hoàn thành và sớm đi vào hoạt động vào tháng 4-2015, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tương lai”.
Kỳ vọng từ hai phía
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, đến nay đã có 7 dự án cấp mới của Nhật Bản tại Đà Nẵng và 7 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 9.214.345 USD. Hiện Nhật Bản có 78 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 370.596.007 USD và đang xếp vị trí thứ 2 sau Singapore. Trong đó, vốn tăng cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 90,87%. Các DN Nhật Bản đã giải quyết được việc làm cho khoảng 27.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận và hàng ngàn lao động gián tiếp ở các ngành sản xuất phụ trợ, sản xuất nguyên vật liệu.
Ông Sakurai Hiroyuki, Chủ tịch Chi hội các DN Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng rất tốt. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhà đầu tư Nhật Bản. Thời gian qua, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan luôn có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời để DN Nhật Bản nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt hiệu quả cao. Vì thế ngày càng có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và tìm hiểu về thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư về hạ tầng cơ sở để tạo sức hút hơn nữa đối với các DN Nhật Bản.
Trong các buổi gặp gỡ với các tổ chức, DN đối tác Nhật Bản, lãnh đạo thành phố luôn nhấn mạnh: Đà Nẵng xác định nhà đầu tư Nhật Bản là một bộ phận quan trọng không thể tách rời đối với đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng. Chính quyền thành phố luôn lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của DN Nhật Bản nhằm hỗ trợ kịp thời cho các DN làm ăn lâu dài tại đây.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH