Phải tranh thủ những chính sách của thành phố để triển khai kế hoạch đổi mới doanh nghiệp (DN) và tự cứu mình trước tiên. Chính sách chỉ phát sinh khi vướng mắc được bộc lộ, khi đó chính quyền sẽ xem xét hỗ trợ DN. Trong thời gian tới, các DN hãy định hướng lại để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; xác định điều kiện để nâng quy mô DN; cần tập trung tái cơ cấu lao động, công nghệ, năng lực quản lý; mở rộng bổ sung thành lập mới ngành nghề cho phù hợp với cơ cấu của thành phố. Các hiệp hội, hội cần tăng cường tổ chức hiệu quả hơn nữa việc liên kết cung - cầu sản phẩm, nguyên liệu, đổi mới công nghệ…
Doanh nghiệp cần đổi mới công tác quản trị, công nghệ... để đáp ứng giai đoạn phát triển mới. TRONG ẢNH: Vận hành sản xuất mẻ gạch không nung đầu tiên ở Công ty CP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Đó là những khuyến nghị của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” Võ Duy Khương tại hội thảo “Chiến lược chuyển đổi của doanh nghiệp - Thách thức và cơ hội mới 2014-2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) và Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố tổ chức hôm 3-10.
Doanh nghiệp phải chủ động hội nhập
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, nếu không trụ nổi trước cạnh tranh khốc liệt, DN phải phá sản là quy luật đương nhiên. Do đó, DN không chỉ trông chờ Nhà nước mà phải tự cứu mình trước tiên.
Trong số 15.000 DN, chủ yếu là DNNVV ở Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2014 đã có 1.200 DN phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động do tác động của thị trường, thiếu vốn sản xuất... khiến các chuyên gia và bản thân DN lo ngại.
Ông Trịnh Bằng Có, Giám đốc Công ty CP Phương Đông Việt bày tỏ trăn trở: “Chúng ta hội nhập bao nhiêu năm nay những vẫn không cạnh tranh nổi với bên ngoài. Khi gia nhập WTO, các chuyên gia cứ bảo chúng tôi hãy cứ ra khơi đi, nhưng chúng tôi là những DN nông dân ngồi trên cái thúng chai chèo bằng tay trong khi người ta có tàu cao tốc”. Thừa nhận phải tự nghĩ ra cách để vươn lên trong khó khăn, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường cũng đặt vấn đề DN cần phải chuẩn bị những gì và thành phố có thêm cơ chế chính sách nào cho DN hội nhập và phát triển.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nói: “Tôi đi nhiều tỉnh, thành thấy nơi nào cũng bức bí cả, vì bị giới hạn, trói buộc bởi chính sách chung. Thời điểm này, Đà Nẵng nên mạnh dạn “làm lại cuộc chơi” cho DN, bởi hội nhập khắc nghiệt lắm. Chính quyền cũng cần sàng lọc khi tiếp nhận những DN nước ngoài vào đầu tư, mời gọi những “ông lớn” vào thì mới có tính lan tỏa mạnh, hỗ trợ cho DN địa phương. Kinh nghiệm là phải luôn luôn khởi nghiệp, hãy xông lên làm mới mình liên tục mới được, DN phải phát huy tinh thần đó mới trụ vững”.
Loại bỏ những chính sách “nửa vời”
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương khẳng định: Nếu không sớm có chiến lược tái cơ cấu, tổ chức lại ngành nghề phù hợp, các DN sẽ giảm năng lực cạnh tranh, dẫn đến phá sản. Các DN trên địa bàn phải tranh thủ những chính sách của thành phố để triển khai kế hoạch đổi mới và tự cứu mình trước tiên. Chính sách chỉ phát sinh khi vướng mắc được bộc lộ, khi đó chính quyền sẽ xem xét hỗ trợ.
Trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2014, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho DN phát triển như ưu đãi đầu tư, đất đai, thủ tục hành chính, vốn vay… Điều này đã có nhiều DN cảm nhận được và thấy rõ nhất bước chuyển mình trước và sau khi có những chính sách “nổi trội” mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng làm được. Ông Võ Duy Khương cho biết: “Trước đây, trong các buổi tiếp xúc, gặp gỡ, các DN hay hỏi tôi, thành phố giúp cho họ được gì và xin đủ thứ, nhưng bây giờ sau những hội thảo, người ta nhận ra mình phải tự cứu mình trước. Đã bước vào sân chơi hội nhập thì Nhà nước không thể can thiệp sâu rộng”.
Điều đáng mừng nữa là hầu như tất cả các cấp, các ngành từ thành phố đến phường, xã đều nhận thức việc tạo điều kiện cho DN, đầu tư cho DN chính là động lực để thành phố phát triển. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy những hạn chế từ phía chính quyền khi ban hành những chính sách “nửa vời”. Chẳng hạn như đất đai, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, thế nhưng khi DNNVV cần 200m2 đất để mở rộng sản xuất cũng không được đáp ứng; hay các thủ tục hành chính về thuế, đất đai phức tạp đến nỗi người đứng đầu ngành còn chưa rõ, huống hồ người dân.
Hiện nay, DN Đà Nẵng khá đông đảo về số lượng nhưng chất lượng hoạt động chưa cao. Thành phố chưa có những DN thực sự có tầm ảnh hưởng, sản phẩm có giá trị lớn trên thị trường, đóng góp nguồn thu lớn… Trước thực trạng đó, thành phố đã có những định hướng cho DN để sắp tới thông qua đề án trung hạn phát triển DN đến năm 2020. Cụ thể, xác định cơ cấu phát triển dịch vụ - công nghiệp, ưu tiên du lịch, thương mại, logictics; tạo cơ chế đất đai thông thoáng để DN có thể mở rộng sản xuất; phát triển mới DN theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm; tạo cơ hội bình đẳng trong đấu thầu; nâng cao quản trị DN theo các chương trình đào tạo tư vấn, hỗ trợ của các sở, ngành…
DUYÊN ANH