Đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) của Đà Nẵng (trừ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI) sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, chi phí nguyên vật liệu cao, năng suất lao động thấp dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Thực tế này đang đặt ra cho DN những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ (ĐMCN), nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường…
Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp thích ứng được với những yêu cầu của thị trường. |
Thực trạng đáng lo ngại
Theo khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, phần lớn các DN trên địa bàn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Chỉ có 15-20% DN có thiết bị hiện đại, 35-38% DN ở mức trung bình, 42% ở mức lạc hậu và rất lạc hậu. Chính nguyên nhân này đã làm hạn chế hiệu quả vận hành thiết bị và giảm mức độ tương thích, đồng nhất giữa sản xuất và sản phẩm đầu vào, đầu ra.
Do đánh giá mức độ hiệu quả của công nghệ sử dụng hiện tại khá cao cho nên có đến 61,4% DN bàng quan với việc ĐMCN và ít có nhu cầu thay đổi. Nhiều DN cho rằng, những khó khăn khi thay đổi công nghệ là do hạn chế về vốn, thông tin, lựa chọn nhà cung cấp phù hợp... Trong số đó, sự thiếu hụt về vốn dành cho mục đích thay đổi công nghệ được DN đánh giá là khó vượt qua nhất, với 47,3% DN thuộc dạng này.
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI - Đà Nẵng) cho rằng, trong khi các DN cần phải nỗ lực tự cứu mình thì hầu như họ không quan tâm tới việc ĐMCN. Thực tế, nhiều DN tuy có biết về Quyết định 08 về hỗ trợ ĐMCN của thành phố và cũng rất mong muốn được hỗ trợ một phần trong việc ĐMCN để phát triển sản xuất, nhưng ngại đăng ký nộp hồ sơ vì sợ thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian và phải qua nhiều khâu.
Đại diện một DN tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (chuyên cung cấp sơn PU cho gỗ) cho biết: “Khi nghe tin thành phố khuyến khích DN mở rộng đầu tư những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành phụ liệu hỗ trợ trong sản xuất công nghiệp, chúng tôi rất vui.
Trước đây, dây chuyền của DN nhập từ Đài Loan nhưng từ nửa cuối năm ngoái, chúng tôi đã thay thế bằng công nghệ của Đức và được đánh giá cao. Lãnh đạo thành phố cũng rất ủng hộ việc đầu tư công nghệ mới và yêu cầu các sở: Công thương, Khoa học và Công nghệ ghi nhận, nhưng hiện tại phía DN chưa biết phải tiến hành các thủ tục như thế nào để nhận được chính sách hỗ trợ thiết thực từ thành phố…”.
Cũng theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, mặc dù chính sách hỗ trợ ĐMCN đã được công bố và đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song số lượng DN tiếp cận chính sách này rất ít. Hiện chỉ có 1 đơn vị là Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường được hỗ trợ về việc xây dựng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 với kinh phí khoảng 30 triệu đồng.
Bước đi tất yếu
Ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng nhìn nhận: Đa số DNNVV rất muốn ĐMCN. Tuy nhiên, hiện nay DN rất khó khăn về vốn, lúng túng trong việc tiếp cận thông tin và phương thức ĐMCN. Xu thế nhập khẩu và sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn gia tăng trong DN.
Vì vậy, để DN có thể thực hiện việc ĐMCN, trước hết cần phải nỗ lực tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như thành phố, đồng thời chủ DN phải có quyết tâm cao trong việc ĐMCN. Bên cạnh đó, các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, thành phố phải phù hợp và dễ thực hiện đối với DN.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp DN sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, phù hợp xuất khẩu, hiệu quả kinh doanh cao. Danapha là một ví dụ. Từ một xí nghiệp dược phẩm có công suất nhỏ, Danapha hiện đã phát triển thành một nhà máy quy mô với những dây chuyền sản xuất dược phẩm đạt chứng nhận GMP - WHO.
Sau nhiều năm đầu tư liên tục, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ đạt tới 120 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm. Xác định việc sản xuất ngày càng khó khăn trước yêu cầu khắt khe của thị trường, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana - Ý cho hay: Ba năm qua, công ty đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ nhằm đưa giá thành sản phẩm về giới hạn thấp nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Với chiến lược đó, Dana - Ý đầu tư dây chuyền cán và luyện, có tổng công suất 400.000 tấn/năm với nguồn vốn hơn 800 tỷ đồng. Hiện tại đã đưa vào vận hành giai đoạn 2 thiết bị dây chuyền luyện cán thép mới, công suất 250.000 tấn/năm.
Đặc biệt, dây chuyền mới này giảm được 1/3 tiêu hao năng lượng điện. Việc tiết kiệm điện không những tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho DN như ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các chủng loại thép cho thị trường với chất lượng cao, đồng thời giúp DN có thể thích ứng được với những thay đổi của thị trường khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế thế giới.
Đầu tư cải tiến, ĐMCN là quá trình DN tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đây cũng là hướng đi cần thiết và tất yếu để phát triển bền vững, vì vậy các DN cần mạnh dạn đầu tư với sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước và thành phố.
"Các DN trên địa bàn chưa chú trọng các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trong sản suất hàng hóa trước xu thế hội nhập toàn cầu nên thị trường xuất khẩu chưa rộng, kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Vì thế, trong nhiều việc phải làm, các DN cần đặc biệt quan tâm tới công nghệ, như vậy mới có thế cạnh tranh, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà" Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng VÕ DUY KHƯƠNG, Trưởng Ban chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH