Mạng lưới công nghiệp phụ trợ mỏng và yếu, doanh nghiệp (DN) địa phương hầu như không chịu áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại, lại thiếu liên kết với nhau… là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay là DN trong nước hầu như vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chủ động thay đổi để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp nội trong xu thế hiện nay. |
Mạng lưới công nghiệp phụ trợ mỏng và yếu
Hơn 10 năm qua, dòng vốn FDI chảy vào Đà Nẵng khá lớn, tuy nhiên đến nay, các DN của thành phố hầu như vẫn đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu bởi không thể đáp ứng các yêu cầu khi tham gia làm một phần việc của các DN FDI.
Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố cho biết, Đà Nẵng có khoảng 13.000 DN, nhưng hầu hết đều nằm ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoại trừ một số DN FDI. Tuy vậy, các DN FDI này cũng chỉ cung ứng được một phần nhỏ trong chuỗi toàn cầu nhờ liên kết với các công ty mẹ ở bên ngoài.
“Thực tế, các DN FDI rất hào hứng khi DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng vì họ sẽ đỡ phải đầu tư thêm một số lĩnh vực phụ trợ. Nhưng đến nay, mạng lưới công nghiệp phụ trợ của ta còn quá mỏng và yếu. Qua làm việc thực tế, các DN nội địa đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế lớn, không đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện mà DN FDI đưa ra, như: DN nội địa quá yếu về công nghệ, phần lớn không chịu áp dụng khoa học công nghệ, không chịu đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại. Đây là một lỗ hổng, làm sao có thể liên kết, tạo giá trị từ chuỗi cung ứng toàn cầu được?”, ông Quân phân tích.
Ông Lê Trường Kỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinco Đà Nẵng cho rằng, dù chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, nhưng lại thiếu định hướng dẫn tới không tận dụng được mục đích cuối cùng là chuyển giao công nghệ.
Từ thực tế nước Nhật, ông Kỹ phân tích: “Đặc thù của mình là các DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng Nhật Bản cũng trưởng thành từ chính những DN nhỏ. Tuy nhiên, đường đi của họ khác chúng ta. Tôi lấy ví dụ, để tạo nên một chiếc xe Toyota có 3.500 nhà cung ứng, mỗi DN của Nhật chỉ đảm trách cung ứng một thiết bị trong đó và dù chỉ là một thiết bị nhỏ họ cũng tạo nên thương hiệu, có bản quyền riêng. Chính sự liên kết có định hướng tạo thành một chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đã giúp các DN nhỏ mạnh lên. Trong khi đó, ở Việt Nam, các DN nhỏ vẫn thiếu sự liên kết, thậm chí cạnh tranh với nhau ngay trên sân nhà. Một DN nhỏ nào đó làm được dù chỉ một chi tiết trong sản phẩm lại nơm nớp sợ bị ăn cắp bản quyền. Trong khi, nếu sáng tạo đó được tôn trọng, bảo vệ, phát triển, DN đó sẽ có điều kiện tham gia vào trong chuỗi sản xuất và đương nhiên sẽ có điều kiện phát triển mạnh lên”.
Doanh nghiệp phải chủ động thay đổi
Từ thực tế trên, để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của DN FDI, DN trong nước phải chủ động thay đổi. Bởi lẽ, theo ThS Hà Thị Cẩm Vân, giảng viên Khoa Kinh tế-Luật, Đại học Thương mại Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh đang chuyển dịch từ các đơn vị riêng lẻ sang cạnh tranh giữa các chuỗi, do đó việc tìm kiếm liên kết để chen chân vào trong chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu của các DN có ý nghĩa sống còn.
Với thực tế của Việt Nam, sự liên kết giữa DN nội địa và FDI càng cần thiết. Nhưng để có sự liên kết đó thì DN nội địa phải mạnh, nói rộng ra phải có một nền công nghiệp phụ trợ đi trước. Đây đang là thách thức lớn nhất, đòi hỏi trong tái cấu trúc kinh tế phải được chú trọng. Đồng ý với quan điểm này, ông Lý Đình Quân cho rằng, nếu không chủ động thay đổi, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh thì lâu dần chúng ta chỉ là thị trường cho các DN nước ngoài.
Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DNNVV đã xây dựng chương trình liên kết giữa DN nội địa và một số DN FDI có số vốn đầu tư lớn nhằm đưa DN nội địa vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Câu lạc bộ FDI thành phố cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu nhằm tìm hiểu, nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với địa phương như hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực…
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 6-10-2014, có 36 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 300 dự án FDI còn hiệu lực, giải quyết việc làm cho hơn 43.600 người. Chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực bất động sản-du lịch, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, giáo dục và đào tạo… |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA