Đà Nẵng là địa phương ven biển nên năm nào cũng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt. Do đó, để phòng ngừa những yếu tố gây xáo trộn tình hình giá cả hàng hóa, các ngành chức năng của thành phố và người dân đã sớm lên kế hoạch cân đối sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm và dự trữ nguồn hàng thiết yếu đối phó khi có sự cố xảy ra.
Thực phẩm tươi sống là mặt hàng thường tăng giá trước và sau thiên tai. |
Sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống bão lụt trên địa bàn, năm nay, Sở Công thương đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Đến nay, đã có 13 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa với tổng giá trị hơn 733 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng chuẩn bị 1.000 tấn gạo trắng hạt dài Nam Bộ (trị giá 10 tỷ đồng); vận động các doanh nghiệp dự trữ 1 triệu gói mì ăn liền (trị giá 3 tỷ đồng), 50.000 chai nước uống đóng chai (trị giá 500 triệu đồng). Là đơn vị luôn tích cực trong tham gia đưa hàng bình ổn giá ra thị trường, siêu thị Co.opMart Đà Nẵng đã có hàng nghìn mặt hàng thiết yếu được cam kết bán đúng giá, kể cả khi có sốt hàng, thiếu cục bộ sẽ được tăng cường từ nhà cung cấp.
Không chỉ có kế hoạch dự trữ hàng tại chỗ, các phương án điều phối nguồn hàng kịp thời cho các vùng bão, lũ bị chia cắt đã được chuẩn bị, nhất là các vùng ngoại thành thường chịu ảnh hưởng của mưa bão… Không trữ hàng theo kiểu bỏ sẵn trong kho, kinh nghiệm của UBND quận Liên Chiểu là liên kết với các hộ kinh doanh, đại lý hàng hóa lớn ở địa phương.
Khi quận có yêu cầu vận chuyển đến các hộ dân vùng ngập lụt thì sẽ có phương tiện và nhân lực di chuyển nhanh. Giá cả được thỏa thuận trước, vì thế giữa đại lý và địa phương sẽ không phải lo “nước đến chân, hàng hóa nhảy giá”.
Dù chưa biết tình hình thời tiết năm nay sẽ như thế nào, nhưng rất nhiều người dân ở khu vực ven biển Đà Nẵng đã lo “chống bão” từ rất sớm. Ông Nguyễn Thắng (trú tổ 11D, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Ở gần biển cho nên có mưa bão là rất nguy hiểm. Để phòng trước rủi ro, tôi đã mua lại của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Khánh cả trăm thùng đựng sơn (đã sử dụng hết) về để dành đó. Khi nào có bão chỉ cần đưa lên mái nhà bơm nước chằn tôn là xong, vừa chắc chắn lại vừa tiện lợi hơn so với cách dùng bao cát”. Nhiều người ở khu vực Liên Chiểu cũng đề phòng thiên tai sớm bằng cách mua lại những can đựng nước các loại chỉ với giá 5.000-10.000 đồng/cái. Theo người dân, giá vừa rẻ lại sử dụng được vào nhiều việc có ích, trong khi chờ “nước đến chân” mới chuẩn bị thì giá bao đựng cát và cát luôn bị “hét với giá trên trời”.
Bức xúc với kiểu kinh doanh “tát nước theo mưa”, hầu hết người dân đã kiến nghị cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh hơn với thị trường, chứ để như mọi năm khi mưa to, bão lớn xảy ra, các cửa hàng tạp hóa, chợ đều tự ý tăng giá với kiểu “thích thì mua, không thì thôi” làm khó người dân.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho biết: Tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp kêu gọi các nhà cung cấp, phân phối, hộ kinh doanh tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên của sở nhằm không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và hoạt động kinh doanh và nhu cầu của người dân tại thành phố. Để kiểm soát tình hình chặt chẽ, sở đã chỉ đạo cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT) rà soát tình hình, nắm biến động giá cả, khâu cung ứng, lưu thông, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định.
Thực tế từ những năm trước, hầu hết các loại thực phẩm thiết yếu và mặt hàng phục vụ cho gia cố nhà cửa (tôn, đinh mũ, dây thép, bao cát…) luôn bị làm giá vào giờ chót. Để xử lý vi phạm những mặt hàng này, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT Đà Nẵng khẳng định: “Người dân phát hiện điều gì bất hợp lý đề nghị phản ánh qua số điện thoại của văn phòng hay các đội QLTT quận huyện, chúng tôi sẽ giải quyết”.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH