ĐNĐT - “Những vấn đề doanh nghiệp góp ý, thảo luận qua các kênh (gặp mặt, hội thảo) nếu còn vướng mắc thì trong quý 4 cần tiếp tục triển khai tích cực để hoàn thành công việc. Những nội dung nào thực hiện không phù hợp thì bỏ ra, bổ sung thêm những cái mà doanh nghiệp đang cần, thành phố sẽ hỗ trợ. Từ nay đến hết năm thời gian không còn nhiều vì thế đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cần hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra trong Năm Doanh nghiệp 2014…”.
Dây chuyền sản xuất ô tô của Công ty TNHH TCIE |
Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014 Võ Duy Khương tại buổi họp sơ kết tình tình 9 tháng đầu năm với các thành viên trong Ban chỉ đạo vào sáng ngày 24-10.
Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, thực hiện Chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, 9 tháng đầu năm nay thành phố đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; cho vay gần 40 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố, lãi suất 6%/năm; hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ...
Phần lớn các công việc đề ra đều sát với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp; nhiều kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đã được UBND thành phố, sở, ngành giải quyết nhanh chóng, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các hoạt động trong quý 3 có chững lại và triển khai cầm chừng, vẫn còn một số công việc chưa được triển khai đúng tiến độ như: công tác điều chỉnh lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiến độ giải ngân nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố còn chậm (Quỹ Đầu tư phát triển cho vay đạt 32,6%, huy động tăng vốn điều lệ cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV còn quá khiêm tốn với 1,3 tỷ đồng); một số hoạt động về khoa học công nghệ còn chưa triển khai đúng tiến độ do chưa có kinh phí…
Góp ý cho đề án Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020, đứng về góc độ cơ quan soạn thảo đề án, bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Các giải pháp đưa ra chưa đột phá, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra hằng năm. Vai trò của Nhà nước chỉ là chất xúc tác, cái chính vẫn là sự vận động từ phía doanh nghiệp. Trong 3-5 năm tới việc thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp là tốt rồi, còn những giải pháp đột phá cần suy nghĩ thêm.
Đại diện Cục Thuế thành phố nêu những doanh nghiệp gọi là “lớn” trên địa bàn đóng thuế còn rất khiêm tốn so với doanh nghiệp các nơi khác. Vì thế, phải động viên để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có trụ sở tại thành phố tăng thuế đóng cho ngân sách. Còn những doanh nghiệp đã mở rộng quy mô hoạt động thì cần tiếp tục hỗ trợ thêm để doanh nghiệp đóng thuế cao hơn.
Đối với Đề án Xây dựng Vườn ươm cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến tại cuộc họp đề xuất các giải pháp như: Thông qua các hội, hiệp hội nhằm phát hiện, dìu dắt các tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trong số 14.000 doanh nghiệp của Đà Nẵng cần đánh giá trình độ công nghệ, chọn loại hình, số doanh nghiệp còn lại khoảng 100 doanh nghiệp để hỗ trợ có trọng tâm. Ngoài ra cần xác định rõ mục tiêu Vườn ươm đặt ra như vậy thì việc nào thành phố thực hiện, việc nào doanh nghiệp thực hiện…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên trong ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương thống nhất chọn năm 2015 tiếp tục triển khai hoạt động Năm doanh nghiệp; đồng thời lưu ý tổ giúp việc Chương trình Năm Doanh nghiệp phải nhanh chóng rà soát, tổng hợp lại để lãnh đạo thành phố trả lời cho doanh nghiệp. Các báo cáo về Đề án phát triển doanh nghiệp sớm được bổ sung và hoàn thiện trước ngày 5-11-2014, để sớm ban hành rộng rãi.
XUÂN DUYÊN